Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, thực hiện nghiêm ngặt biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành thú y. Đây là những nội dung đang được Hội Nông dân Hàm Thuận Nam hướng dẫn hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện bảo vệ đàn gia súc của mình, khi mà bệnh viêm da nổi cục (VDNC) đã xuất hiện ở một số nơi trong tỉnh.
“Thì ra bệnh VDNC là bệnh truyền nhiễm do một loại vi-rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi-rút không gây bệnh trên người. Đường lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve. Bệnh có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp”, ông Loãn thuật lại.
Nuôi trâu ở Hàm Cần.
Những lo lắng của người nông dân trong thời điểm này rất dễ thông cảm. Khi mà lứa thanh long hàng mùa vừa thất bát do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, cộng thêm một vài nơi đã có những triệu chứng ban đầu của bệnh VDNC. Ông Trần Thắng Bình – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Toàn huyện hiện có 1.400 con trâu, gần 20.000 con bò, 38.000 con heo và chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, theo hộ gia đình để tận dụng nguồn cỏ, cành thanh long, phụ phẩm nông nghiệp khác. Tuy nhiên, chính nhờ hình thức kết hợp này mà hàng năm nhiều hộ dân có thêm nguồn thu khá.
Trong thời điểm này, hình thức tuyên truyền miệng, tập huấn đang bị gián đoạn, nhưng không vì thế để bà con thiếu thông tin, thêm những hoang mang. Từ đầu năm đến nay, huyện Hàm Thuận Nam đã xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh lở mồm, long móng giai đoạn 2021 – 2025 và phân bổ hơn 220 lít thuốc sát trùng, thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường.
Ông Trần Thắng Bình thông tin thêm: Ổ dịch VDNC xã Tân Đức (Hàm Tân) đã được bao vây, nhưng không vì thế mà địa phương chủ quan. Với phương châm phòng hơn chống, các cơ sở hội nông dân đã chủ động tuyên truyền phổ biến qua zalo, hội nhóm và trên loa quy định của Nhà nước và thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình dịch bệnh động vật để nhân dân chủ động phòng chống. Cùng với đó thường xuyên khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp tiêm phòng cho đàn gia súc, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Hướng dẫn cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời không quên nhắc nhở, nếu xảy ra trường hợp đàn trâu, bò mắc bệnh, phải thực hiện nuôi nhốt, cách ly triệt để không cho ra bãi chăn thả chung, không bán chạy, giết mổ trâu, bò bị bệnh…
Thục Anh
Nguồn: Báo Bình Thuận