Cùng với diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp, người chăn nuôi đang đối mặt khó khăn khi dịch viêm da nổi cục (VDNC) xuất hiện tại một số địa phương trong tỉnh.
Khó khăn và nỗ lực ở cơ sở
Từ ổ dịch VDNC đầu tiên tại khu phố Lương Hòa, thị trấn Lương Sơn (Bắc Bình) đến nay dịch bệnh đã lây lan ra 7 khu phố khác trong toàn thị trấn với tổng số bò mắc bệnh toàn thị trấn 468 con của 133 hộ tại 8 phu phố. Tại ổ dịch ở khu phố Lương Hòa tổng số bò bị bệnh 120 con/20 hộ hiện người nuôi đã thực hiện một số giải pháp dập dịch hiệu quả. Anh Nguyễn Hữu Hảo – Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi bò vỗ béo khu phố Lương Hòa cho biết: “Nhờ chủ động từ sớm cách ly bò bị bệnh nhốt riêng, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng nuôi tiêu diệt mầm bệnh và các loại côn trùng truyền bệnh ve, muỗi, mòng… đàn bò bệnh đã giảm hiện chỉ còn 20 con bệnh với 11 hộ. Bà con đang tiếp tục theo dõi, và được hướng dẫn thực hiện đầy đủ công tác phòng chống dịch theo quy định. Do bệnh chưa có thuốc điều trị nên bà con chữa và phòng bệnh theo kinh nghiệm dân gian, kết hợp vệ sinh chuồng trại”. Để có được kết quả này theo kinh nghiệm của anh Hảo, phải làm tốt công tác tuyên truyền cho bà con hiểu được mức độ nguy hiểm của bệnh để chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho đàn bò. “Hiện nay 1 liều vắc xin VDNC có giá 1,2 triệu đồng sẽ tiêm phòng được cho khoảng 25 con bò, một số hộ chăn nuôi số lượng nhiều đã chủ động tự mua vắc xin về tiêm phòng”, anh Hảo nói thêm.
Vệ sinh khử trùng chuồng trại ở thị trấn Lương Sơn.
Để đảm bảo vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa tập trung dập dịch VDNC đang bùng phát tại địa phương, UBND thị trấn Lương Sơn đã huy động tất cả các lực lượng từ thị trấn đến thôn, khu phố cùng vào cuộc. “Chúng tôi đã phân công 1 Phó Chủ tịch UBND thị trấn trực tiếp chỉ đạo, 1 cán bộ phụ trách nông nghiệp phối hợp với các địa bàn để xử lý không để dịch lây lan. Vì đây là loại bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh, địa phương kiến nghị tỉnh, huyện sớm hỗ trợ vắc xin để triển khai tiêm phòng VDNC hết đàn bò của thị trấn nhằm hạn chế lây lan”, ông Ngô Văn Minh – Chủ tịch UBND thị trấn Lương Sơn cho biết. UBND thị trấn đã phát 126 bao vôi trên 1,5 tấn, 80 lít thuốc tiêu độc khử trùng nhận từ Trung tâm Kỹ thuật – Dịch vụ miền núi huyện Bắc Bình cho các hộ gia đình thực hiện việc vệ sinh chuồng trại. Hiện đã có một số nông dân tự liên hệ các cửa hàng thuốc thú y mua vắc xin tiêm ngừa 400 liều. Cũng theo ông Minh, hầu hết bà con có ý thức thực hiện các biện pháp hướng dẫn của ngành. Khó khăn hiện nay là việc chăm sóc bò bệnh phải thường xuyên, tăng chi phí thức ăn, thuốc men điều trị trong điều kiện kinh tế phải chật vật vì dịch Covid-19 đã ảnh hưởng kinh tế các hộ chăn nuôi.
Hạn chế bệnh lây lan diện rộng
Hiện nay, bệnh VDNC xuất hiện tại 2 huyện Bắc Bình và Hàm Tân, UBND 2 huyện đã chỉ đạo các ngành và địa phương khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh VDNC theo quy định. Tình hình dịch bệnh đang được theo dõi chặt chẽ. Tại huyện Bắc Bình ngoài thị trấn Lương Sơn, hiện nay một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn các xã Hòa Thắng, Sông Lũy, Phan Thanh và Hồng Thái cũng có bò bệnh nghi VDNC với tổng số 252 con/ 107 hộ. Các địa phương đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Trung tâm Kỹ thuật – Dịch vụ miền núi huyện tổ chức lấy mẫu xét nghiệm. Còn tình hình ổ dịch VDNC trên địa bàn huyện Hàm Tân ngoài 2 vùng dịch đã được UBND huyện công bố dịch là xã Tân Đức và thị trấn Tân Nghĩa, tại các xã thuộc vùng dịch uy hiếp, vùng đệm đã xuất hiện bò bệnh nghi VDNC với tổng số 361 con. Tính đến ngày 27/7, toàn huyện Hàm Tân có 709 con bò bệnh và nghi bệnh VDNC, số bò chết và tiêu hủy 16 con, số con điều trị giảm 307 con, chiếm 43% tổng số con bệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Vấn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, đến nay chi cục đã cấp phát cho huyện Bắc Bình và Hàm Tân 290 lít sát trùng Iodine để các địa phương triển khai tiêu độc, khử trùng ổ dịch bệnh VDNC. Đồng thời, thực hiện các biện pháp giám sát xử lý ổ dịch, tuyên truyền qua phát tờ rơi, áp phích về dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi. Chi cục đã phối hợp cùng với Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Bắc Bình và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tự mua 10.000 liều vắc xin VDNC để tiêm phòng cho đàn trâu, bò của mình. Hiện nay công tác quản lý dịch bệnh cũng gặp khó khăn do phải đồng thời vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa thực hiện các giải pháp về phòng chống dịch bệnh VDNC và một số bệnh truyền nhiễm khác trên gia súc, gia cầm. Cùng với các biện pháp quyết liệt hơn nữa như rà soát sớm, khoanh vùng ổ dịch, phun sát trùng, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ thì cách nhanh và hiệu quả nhất để đẩy lùi bệnh VDNC vẫn là tiêm vắc xin. Cơ quan chuyên môn tỉnh, các địa phương cần đẩy nhanh kế hoạch hỗ trợ người chăn nuôi vắc xin tiêm phòng VDNC. Trong khi chờ đợi vắc xin hỗ trợ, cần vận động người chăn nuôi trong khả năng tự tiêm vắc xin cho trâu, bò phòng bệnh thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng chăn nuôi, không để dịch chồng dịch.
Thanh Duyên
Nguồn: Báo Bình Thuận