Hiện nay, mặc dù các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi (như viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm…) đã cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ tái phát vẫn luôn tiềm ẩn. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khuyến cáo bà con tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, duy trì sản xuất chăn nuôi.
Từ đầu năm 2021, tại các địa phương trong tỉnh liên tục phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể, vào tháng 1, ổ dịch viêm da nổi cục đầu tiên xuất hiện ở xã Bình Long (Võ Nhai), sau đó tiếp tục lan rộng tại 137 xã, của 9 huyện, thành, thị với tổng số 2.640 con gia súc mắc bệnh; trong đó có hơn 560 con bị tiêu hủy.
Đến tháng 5, bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh ở 15 hộ của 5 xã thuộc các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ với tổng số lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy là 105 con. Còn trong tháng 7, bệnh lở mồm long móng xuất hiện tại một hộ dân thuộc tổ 4, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) với 3 con trâu, bò mắc bệnh.
Gia đình ông Trần Văn Lợi, ở xóm Thượng, xã Bảo Lý (Phú Bình) cung cấp đủ thức ăn và thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn.
Trước diễn biến khó lường của các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản tỉnh đã phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy động vật mắc bệnh, chết; cách ly, điều trị gia súc, gia cầm ốm, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc, diệt côn trùng, tiêm phòng bao vây ổ dịch.
Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết: Nhờ triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch nên đến nay, các địa phương có dịch đã qua 21 ngày không phát sinh ổ bệnh mới. Hiện, Chi cục đang rà soát các điều kiện để thẩm định, công bố hết dịch lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi.
Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân đầu tư phát triển sản xuất. Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, tính đến hết tháng 7, tổng đàn lợn đạt 650.000 con, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 105% kế hoạch năm; đàn trâu 44.200 con, đàn bò 44.500, tăng 2,5%, đạt 101,1% kế hoạch năm và đàn gia cầm là 14,6 triệu con, tăng 2,7%, đạt 98% kế hoạch năm.
Ông Trần Văn Lợi, một hộ dân ở xóm Thượng, xã Bảo Lý (Phú Bình) chia sẻ: Nhà tôi đang nuôi gần 60 con lợn thịt. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, chúng tôi đã thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng tiêu độc nhằm hạn chế tối đa khả năng mầm bệnh còn trong môi trường xung quanh. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để tạo miễn dịch cho đàn lợn.
Còn ông Nguyễn Văn Tịnh, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xóm 11, xã Tân Linh (Đại Từ) nói: Dịch bệnh được khống chế cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm từ gia súc, gia cầm. Qua đó, giúp các hộ dân yên tâm sản xuất, chăn nuôi.
Mặc dù tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị và chưa có vắc-xin phòng. Ngoài ra, do hình thức chăn nuôi chủ yếu là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, nằm xen kẹp trong khu dân cư, không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường nên dịch bệnh rất dễ lây lan. Vì vậy, cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con không được chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh, duy trì đàn vật nuôi phát triển ổn định.
Lương Hạnh