Trước tác động của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh đang chủ động đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi cho thị trường tiêu thụ.
Giảm tiêu thụ
Nếu trước đây, lượng heo giết mổ mỗi ngày trung bình khoảng 700 – 800 con thì nay giảm khoảng 40%. Nguyên nhân là do sức tiêu thụ ở các chợ truyền thống giảm mạnh. Tiểu thương Lê Thị Bé, bán thịt heo ở chợ Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Trước khi có dịch, mỗi ngày tôi bán 1 – 2 con heo, còn bây giờ bán tầm nửa con. Người đi chợ ít, sức mua cũng giảm theo. Các đầu mối ở quán ăn lấy thịt ít lại vì họ chỉ bán mang về, có quán tự đóng cửa nghỉ bán trong thời gian này”.
Sức mua giảm, các quầy, sạp cũng linh hoạt điều chỉnh giảm sản lượng thịt heo bán hàng ngày. Đa phần các tiểu thương cũng cố gắng duy trì buôn bán, đảm bảo khâu cung ứng thực phẩm đầy đủ để cùng người tiêu dùng vượt qua giai đoạn khó khăn trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Giá heo hơi đang ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Còn đối với người chăn nuôi, vấn đề bà con lo lắng lúc này là giá heo hơi xuống rất thấp; chỉ còn khoảng 50.000 – 52.000 đồng/kg, đây là mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi lại nhiều lần tăng giá liên tục khiến người nuôi đứng ngồi không yên. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, than thở: “Thức ăn chăn nuôi tăng giá vùn vụt, giá heo hơi thì mấy tháng nay cứ giảm dần. Tôi thấy lo cho đàn heo sắp xuất chuồng, sợ khó bán. Heo hơi rẻ bèo, có 50.000 – 52.000 đồng/kg thì chắc chắn không có lời”.
Chủ động tiêu thụ tại chỗ
Ở huyện Châu Thành A, tình hình tiêu thụ heo hơi hiện nay cơ bản đảm bảo. Ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Trên địa bàn hiện có Công ty TNHH MTV Nguyễn Đan Hậu Giang chuyên giết mổ và cung cấp thịt heo trên địa bàn và các huyện, tỉnh lân cận. Vấn đề tiêu thụ heo hơi đến nay chưa ghi nhận có phản ánh khó khăn. Tương tự những nơi khác, sức tiêu thụ thịt heo ở các chợ giảm do người dân hạn chế đi chợ.
Còn tại huyện Long Mỹ, ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin hiện nay tình hình tiêu thụ heo hơi trong dân chủ yếu là thương lái trên địa bàn thu mua, giết mổ và phục vụ tại các chợ tại huyện Long Mỹ. Do giá heo hơi đang giữ mức thấp nên đa số bà con vẫn còn lưu heo lại chuồng, chờ tín hiệu tích cực.
Theo ông Trịnh Hùng Cường, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi Thú y – Thủy sản tỉnh, tình hình tiêu thụ heo hơi ở các công ty, trại chăn nuôi lớn trên địa bàn cơ bản không ảnh hưởng nhiều do có kênh phân phối, tiêu thụ riêng. Các đơn vị chăn nuôi quy mô lớn có điều kiện chủ động phương tiện để được cấp mã QR Code ưu tiên cho hàng hóa thiết yếu trên luồng xanh. Còn đối với các trường hợp chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, đa phần là thương lái thu mua, giết mổ và phục vụ tiêu thụ tại địa bàn. Lượng heo giết mổ hiện nay có giảm nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu xuất bán trong dân.
Để chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời vẫn bảo đảm cung cấp kịp thời nguồn thực phẩm thiết yếu cho người dân, Chi cục Chăn nuôi Thú y – Thủy sản đã yêu cầu các chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thực hiện nghiêm việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và lưu ý trong quá trình giết mổ chủ cơ sở phải thực hiện nghiêm quy định “3 tại chỗ”. Đồng thời, chỉ đạo nhân viên thú y trực kiểm soát giết mổ đến cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm trước 18 giờ 00 phút ngày hôm trước và chỉ được ra về sau 5 giờ 00 phút ngày hôm sau. Trong quá trình trực kiểm soát giết, mổ nhân viên thú y phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế”.
Bài, ảnh: Kỳ Anh
Nguồn: Báo Hậu Giang