Cùng với các chủ trương, chính sách cho bà con dân tộc thiểu số và sự tương hỗ nhau, người dân vùng cao Si Mai Cai, Lào Cai thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Si Ma Cai là vùng núi đá, thời tiết khắc nghiệt và khó khăn nhất Lào Cai do thiếu nước, khô hạn, địa hình chia cắt, đất đai ít hơn đá.
Thế nhưng, từ khó khăn đó, huyện vùng cao này có hướng đi riêng đó là phát triển đại gia súc để cung cấp thực phẩm sạch cho Sa Pa, thành phố Lào Cai và các tỉnh miền xuôi. Trong đó, chăn nuôi trâu hiện đang là một trong những thế mạnh của xã Bản Mế.
Ông Lùng Dảo Chín, người uy tín thôn Bản Mế, xã bản Mế (huyện Si Ma Cai) là người đi đầu, vận động bà con phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo từ những chủ trương, chính sách hỗ trợ bà con dân tộc thiếu số.
Gia đình anh Lùng Lìn Chưởng ở thôn Bản Mế trước đây là hộ nghèo của xã. Nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, sự giúp đỡ của bà con trong thôn bản, đến nay gia đình anh Chưởng đã thoát nghèo, con cái được học hành đầy đủ. Gia đình anh sắm sửa được các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như ti vi, tủ lạnh…
Anh Chưởng chia sẻ: Có được ngày hôm nay, gia đình tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước đã có chính sách quan tâm tới bà con vùng cao. Cảm ơn ông Chín đã cho gia đình mượn trâu vừa để cày bừa phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa để nuôi sinh sản. Có được sự hỗ trợ này, gia đình tôi giờ cũng đã có tới 3 con trâu, trị giá hàng chục triệu đồng, số tiền mà trước đây anh Chưởng chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Người dân ở Bản Mê thoát nghèo nhờ nuôi trâu. Ảnh: H.Đ.
Ở thôn Bản Mế, anh Chưởng chỉ là một trong số nhiều hộ khó khăn được ông Chín giúp đỡ. Là hộ sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền, điều kiện gia đình khá giả hơn các hộ trong thôn, đến nay ông Chín cũng không nhớ nổi đã giúp bao nhiêu hộ trong thôn.
Ông Chín tâm sự: Nhà thiếu trâu tôi cho mượn trâu, nhà thiếu đói khi giáp hạt tôi giúp lương thực như hộ gia đình anh Lùng Ngấn Khương… Bà con tin tưởng tôi, bầu là người uy tín, điều kiện mình tốt hơn mình giúp thôi. Đời sống của từng hộ có khá lên thôn mới khá lên, xã mới khá lên được. Nhờ đó mà tình hình an ninh, trật tự thôn bản cũng ổn định, bà con trong thôn ngày càng đoàn kết giúp nhau cùng phát triển”.
Thôn Bản Mế có 102 hộ, 100% là người dân tộc Nùng. Trước đây, đường dẫn vào thôn đi lại vô cùng khó khăn, nhất là những ngày mưa, cách đi lại duy nhất của bà con là đi bộ hoặc ngựa vì đường đất dốc, trơn trượt.
Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó có làm đường giao thông nông thôn, ông Chín là một trong những người phấn khởi và đi đầu trong công tác tuyên truyền vận động bà con tham gia làm đường. Mở rộng sẽ phải lấy vào đất nương ruộng của bà con, tuy nhiên khi được vận động, tuyên truyền, để bà con hiểu tình nguyện hiến tặng đất.
Ông Chín cho biết, bà con chủ yếu làm nông nghiệp, đường đi qua ruộng nương là vào diện tích trồng cấy của bà con nên lúc đầu cũng nhiều hộ không đồng ý. Mà tiền nhà nước đầu tư có hạn, làm gì có để đền bù cho bà con được.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình mở tuyến làm đường, gia đình ông Chín cũng hiến hơn 2km đất để làm đường đi qua. Bà con thấy ông Chín hiến nhiều đất như vậy mà không đòi đến bù gì nên cũng đồng ý hiến đất để cho xã, thôn làm đường.
Giờ đây các tuyến đường trong thôn đã được bê tông hóa, xe máy đã đến được tận nhà dù trời mưa hay nắng, hàng hóa, nông sản của bà con được chở xe máy ra chợ bán, không phải gùi, vác như trước nữa, bà con phấn khởi lắm…
Năm 2018, xã Bản Mế được công nhận là xã nông thôn mới, để có được thành quả này bên cạnh sự quan tâm đầu từ nguồn lực của Nhà nước thì vai trò của đội ngũ người uy tín trong tuyên truyền vận động bà con là rất quan trọng.
Ông Thền Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Bản Mế cho biết, ông Chín là một trong những điển hình của xã ở mọi phong trào. Cách đây hàng chục năm hộ gia đình ông đã được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập trên dưới 400 triệu đồng.
Hải Đăng – Bá Thắng
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam