(Người Chăn Nuôi) – Chưa thoát khỏi Dịch tả heo châu Phi, ngành chăn nuôi tiếp tục gặp biến cố lớn khi virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N8 xâm nhiễm vào đàn gia cầm nuôi trong nước. Hiện, nhiều tỉnh, thành đang căng sức ứng phó khi ghi nhận có gia cầm lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm này.
Lây nhiễm gia tăng
Theo báo cáo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tính đến tháng 6/2021, tổng cộng đã có 64 quốc gia, vùng lãnh thổ phát hiện chủng virus này. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên thế giới có tổng cộng 2.757 ổ dịch do chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 gây ra, chiếm gần 70% trong tổng số các ổ dịch cúm gia cầm do các chủng virus khác nhau gây ra trên hàng chục quốc gia.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, từ đầu tháng 6/2021 đến nay đã phát hiện chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 tại 3 tỉnh: Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh.
Cụ thể, tại tỉnh Cao Bằng, ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 xảy ra trên đàn gia cầm 175 con của một hộ chăn nuôi tại phường Ngọc Xuân, TP. Cao Bằng. Cùng đó, lực lượng thú y đã phát hiện tổng cộng 9 mẫu giám sát cúm gia cầm chủ động tại các chợ trên địa bàn dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N8.
Tại tỉnh Quảng Ninh, ngày 29/6 vừa qua, trại gà của anh Nguyễn Huy Long ở thôn Bãi Cát, xã Vũ Oai, TP. Hạ Long xuất hiện tình trạng gà chết rải rác. Ðến ngày 30/6, số lượng gà chết lên đến 200 con. Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng II xác định cả 3 mẫu gà chết đều dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N8.
Cũng trong tháng 6, tại tỉnh Hòa Bình, ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 xảy ra trên đàn gia cầm 5.000 con của một hộ chăn nuôi tại xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy.
Ngay sau khi được phát hiện, các địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định, đến nay không xuất hiện thêm ổ dịch mới. Tính đến thời điểm hiện nay đã qua 21 ngày các địa phương này không ghi nhận ổ dịch mới.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh có thể do giống gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm mua về không được nuôi cách ly trước khi nhập đàn; Chuồng trại không đảm bảo an toàn sinh học, điều kiện vệ sinh thú y; Vị trí chuồng trại chăn nuôi thuộc khu vực đồi núi, thường xuyên có gà rừng, chim cảnh hoặc tiếp xúc với chim trời mang mầm bệnh…
Ảnh: Shutterstock
Căng sức ứng phó
Ðánh giá về nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Long nhận định, nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do virus cúm gia cầm A/H5N8 lần đầu tiên xuất hiện tại nước ta, hiện vẫn chưa rõ nguồn lây nhiễm. Hơn nữa, virus được phát hiện từ các gia cầm được chăn thả trên khu vực rộng, chợ buôn bán gia cầm sống nên việc truy xuất, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh gặp nhiều khó khăn…
Ðể ngăn chặn dịch bệnh, nhiều địa phương đang khẩn trương ứng phó. Ðiển hình, UBND tỉnh Thái Nguyên ngay lập tức quán triệt các sở, ngành, địa phương, đơn vị nêu cao cảnh giác ngăn chặn loại virus nguy hiểm này xuất hiện trên địa bàn. Yêu cầu người dân tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm ra môi trường; Tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực chăn nuôi; Không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm. Hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại thường xuyên để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ…
Với việc có 260 km đường biên giới giáp với Campuchia trải dài trên 15 xã thuộc 3 huyện và còn là địa bàn trung chuyển quan trọng trong khu vực, UBND tỉnh Bình Phước nhận định, nguy cơ dịch lây lan vào địa bàn tỉnh rất cao.
Ðể chủ động ngăn chặn virus cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao khác, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống; Kiểm tra, hướng dẫn các địa phương xử lý khi có ổ dịch xảy ra; Sử dụng các loại vaccine cúm gia cầm được phép lưu hành tại Việt Nam và có hiệu quả bảo hộ đối với chủng virus A/H5N6 để tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại các địa phương có nguy cơ cao…
Chủ động vaccine
Trước sự xâm nhiễm của chủng virus cúm gia cầm A/H5N8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến cho biết, với tính chất phức tạp của loại cúm này, Bộ đã chỉ đạo ngành thú y triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh. Tất cả những đàn vật nuôi bị nhiễm cúm này sẽ bị tiêu hủy toàn bộ và xử lý an toàn sinh học khắt khe. Về dài hơi, Bộ đồng ý việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm vaccine cho loại cúm này. Trong thời gian ngắn nhất, Việt Nam sẽ chủ động vaccine để tiêm cho đàn gia cầm với quy mô 530 triệu con. Trước mắt, các địa phương sẽ tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, sử dụng các loại vaccine cúm gia cầm đang được phép lưu hành tại Việt Nam và có hiệu quả bảo hộ đối với chủng virus A/H5N6 để tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xã có dịch và các địa phương có nguy cơ cao. Bởi theo OIE, chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 cùng phân nhánh 2.3.4.4 với virus cúm gia cầm A/H5N6.
Ảnh: Shutterstock
Còn theo Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Long, Cục Thú y đã và đang hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vaccine phòng bệnh cúm gia cầm A/H5N8. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đã sản xuất, cung ứng 340,3 triệu liều vaccine cúm gia cầm. Hiện, trong kho của các doanh nghiệp đang còn 121,4 triệu liều; Dự kiến sản xuất, nhập khẩu đến cuối năm là 262,8 triệu liều, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu cho công tác phòng bệnh, tiêm phòng bao vây chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y
Cục Thú y đã hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm 4 loại vaccine cúm gia cầm thế hệ mới và vaccine phòng chủng virus cúm gia cầm A/H5N8, dự kiến hoàn thành trong tháng 8 tới và sẽ xem xét, cho phép lưu hành.
TS Pawin Padungtod, Ðiều phối viên kỹ thuật cấp cao FAO Việt Nam
Về mặt kỹ thuật, virus H5N8 có chung đặc điểm kháng nguyên với virus H5N6 đang lưu hành tại Việt Nam, do vậy vaccine cúm gia cầm hiện tại được sử dụng tại Việt Nam vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả.
Phan Thảo