Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm chủng mới A/H5N8: Tích cực tiêm phòng cho đàn gia cầm

Ở Bình Định, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của cúm gia cầm chủng A/H5N8, ngành Nông nghiệp tỉnh khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, tuyên truyền các cơ sở chăn nuôi chuyển đổi theo hướng an toàn sinh học để giảm nguy cơ dịch bệnh.

Sở NN&PTNT tỉnh giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu bệnh phẩm của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh, gia cầm ở các địa bàn có nguy cơ cao xét nghiệm, phân tích, kịp thời phát hiện sớm bệnh hoặc đưa ra các cảnh báo sớm để phòng bệnh. Đồng thời, ngành Thú y phối hợp với các địa phương rà soát tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm (CGC) phòng bệnh cho đàn gia cầm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo đảm tỷ lệ tiêm vắc xin đạt trên 80% tổng đàn có nguy cơ; tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển… gia cầm trái phép.

công ty minh dư

Để hạn chế dịch bệnh, ngành Nông nghiệp khuyến cáo chuyển đổi sang chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng mô hình chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao. – Trong ảnh: Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước áp dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm gà giống 1 ngày tuổi chất lượng cao. Ảnh: Tiến Sỹ

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, vấn đề được chú trọng lúc này là chuẩn bị các điều kiện trong trường hợp có xảy ra ổ dịch CGC A/H5N8 hoặc có mẫu giám sát dương tính với vi rút chủng này là lập tức khoanh vùng, khử khuẩn, xử lý tiêu hủy gia cầm, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đúng quy định. Sau đó tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, sử dụng các loại vắc xin CGC để tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xã có dịch và các địa phương có nguy cơ cao.

 Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, thực hiện theo chỉ đạo của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, đơn vị phối hợp rà soát, thông tin đến người chăn nuôi trên địa bàn về dịch CGC chủng mới A/H5N8. Toàn huyện có khoảng 851.700 con gia cầm, đến nay tiêm phòng được 108 nghìn con. Huyện hướng dẫn một số cơ sở chăn nuôi sử dụng phần mềm vào quản lý chăn nuôi, cảnh báo dịch bệnh, có 120 cơ sở chăn nuôi gia cầm cài đặt và sử dụng phần mềm.

Trong khi đó, theo ngành Nông nghiệp huyện Tuy Phước, hiện địa phương triển khai công tác tiêm phòng CGC. Tính đến thời điểm này, ngành Thú y đã tiêm phòng được cho hơn 202 nghìn con gà vịt các loại (đợt 2). Trước tình hình dịch bệnh CGC chủng mới A/H5N8 đang lây lan nhanh ở các địa phương, ngành Nông nghiệp huyện Tuy Phước tiếp tục theo dõi, kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, tình hình dịch bệnh, diễn biến thời tiết để kịp thời đề xuất, tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi phòng, trị bệnh. Đồng thời, kiểm soát chặt công tác kiểm dịch vận chuyển và giết mổ gia cầm trên địa bàn huyện. Định hướng lâu dài hướng dẫn người chăn nuôi chuyển đổi dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Những năm qua, Sở NN&PTNT tỉnh phân bổ vắc xin CGC về tới các địa phương, không có tình trạng khan hiếm vắc xin. Tuy nhiên, hiện việc tuân thủ và chấp hành tiêm vắc xin chủ yếu từ các trang trại quy mô lớn, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất ít. Vắc xin CGC cấp phát miễn phí về cơ sở, các hộ chăn nuôi nhỏ đăng ký tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp địa phương để nhận vắc xin về tiêm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ e ngại. Trong khi, nguy cơ lây nhiễm bệnh xuất phát phần lớn từ hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Ông Nguyễn Văn Quốc cho biết thêm, hiện tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 8,3 triệu con, tăng 3,3% so với cùng kỳ; trong đó, đàn gà 6,1 triệu con, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Đến nay, ngành Thú y đã thực hiện tiêm vắc xin CGC đạt tỷ lệ 70%, chủ yếu tỷ lệ tiêm phòng này ghi nhận ở các DN, công ty, cơ sở chăn nuôi tập trung lớn. Thời gian này, ngành Thú y tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hỗ trợ, vận động người dân tiêm vắc xin CGC.

>> Tháng 6/2021, lần đầu tiên tại Việt Nam chủng vi rút CGC A/H5N8 xuất hiện tại 3 tỉnh phía Bắc gồm Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh. Đây là bệnh nguy cơ phát dịch nhanh, lây lan rộng rất cao. Trong khi đó, ngành chăn nuôi gia cầm ở nước ta quy mô nhỏ lẻ nhiều, mật độ chăn nuôi cao nên không đảm bảo được các điều kiện về an toàn trong chăn nuôi.

Tình trạng mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm chưa được kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ mầm bệnh xuất hiện và phát tán từ đây tăng lên. Cùng với đó, đến nay việc tiêm phòng vắc xin CGC chưa đảm bảo tỷ lệ, kết hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng làm suy giảm đề kháng của gia cầm, nguy cơ mắc bệnh tăng lên.

Thu Dịu

Nguồn: Báo Bình Định

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *