(Người Chăn Nuôi) – Thị trường trứng gia cầm Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng. Ðây không còn là “sạp hàng” của riêng nhà nông nữa mà có sự tham gia rất mạnh từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, khiến sức cạnh tranh trên thị trường này đang ngày càng nóng lên.
Giá thị trường biến động
Từ đầu tháng 4/2021 đến nay, giá các loại sản phẩm gia cầm, trứng gia cầm bắt đầu tăng nhẹ và thị trường cũng nhộn nhịp hơn so cách đó vài tháng. Theo ông Nguyễn Duy Toản, xã Viên An, huyện Ứng Hòa, Hà Nội: Hiện, giá trứng gà bán tại chuồng là 1.350 đồng/quả, tăng 450 đồng/quả so thời điểm tháng 2/2021. Tuy nhiên, cũng theo ý kiến từ người nuôi, mức tăng này chưa đủ giúp họ có lãi, bởi giá cả chi phí đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi tăng quá nhanh và mạnh.
Dù vậy, khoản tăng này cũng đem lại sự khởi sắc nhất định cho thị trường gia cầm sau thời gian dài sụt giảm.
Nhưng đây là giá tại trang trại, còn ngoài chợ dân sinh và trong siêu thị, giá bán cao hơn rất nhiều. Ðiều này đã khiến cho phần lợi nhuận của các bên chênh lệch đáng kể. Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, giá bán gia cầm tại trang trại ở mức thấp, còn người tiêu dùng phải chịu giá cao là do khâu trung gian chiếm tới hơn 40% giá thành. Hiện, thương lái đang hưởng lợi quá lớn.
Ðây là vấn đề đặt ra đã nhiều năm, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hiện, cách thức được quan tâm nhất là đẩy mạnh các giải pháp liên kết doanh nghiệp – trang trại chăn nuôi gia cầm để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với mức giá ổn định, bảo đảm lợi ích giữa các bên. Tuy nhiên, hiện nay trong mối quan hệ này sự ràng buộc vẫn dựa vào “tâm trạng” của các bên để tránh những pha “lật kèo”.
Ông lớn vào cuộc
Trước đây, khi nhắc đến lĩnh vực gia cầm thì nổi nhất vẫn là Công ty C.P. Việt Nam hay doanh nghiệp trong nước là San Hà; Trứng gia cầm thì Công ty Ba Huân… Tuy nhiên, hiện nay thị trường gia cầm đã trở lên nhộn nhịp hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn khi nhiều đại gia nhập cuộc chơi.
Hiện, bên cạnh thương hiệu C.P, Ba Huân, V-food đã có thêm hàng loạt nhà cung cấp khác như Dabaco, Hòa Phát, ÐTK Phú Thọ…, nhiều doanh nghiệp đang vượt lên nhờ sản lượng khủng.
Ðiển hình như Công ty TNHH QL Việt Nam (vốn đầu tư 100% từ Malaysia) đang dẫn đầu về quy mô sản xuất. Tại Việt Nam, với 2 trang trại chăn nuôi gà kỹ thuật cao trên diện tích hàng chục ha tại Tây Ninh, tổng sản lượng trứng gà của doanh nghiệp này đạt 1 triệu quả/ngày.
Tuy nhiên, ngôi vị của QL đang bị đe dọa từ dự án khủng của Công ty CP Mebi Farm. Hiện, Công ty này đã khởi công dự án khu chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận với tổng diện tích hơn 70 ha. Theo dự kiến, trang trại nuôi này sẽ có 1,2 triệu con gà đẻ trứng và 600.000 con gà hậu bị.
Ðó là những tân binh ngoại nhập, còn ở trong nước hiện nay, Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát đang vươn lên mạnh mẽ khi sản lượng trứng gà đang “phủ sóng” trên thị trường. Theo thống kê, hiện nay mỗi ngày Hòa Phát cung cấp ra thị trường nửa triệu quả trứng gà sạch. Ngoài bán sỉ trứng cho các đại lý lớn của Hà Nội, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ, Công ty này chủ trương đẩy mạnh trứng vào hệ thống siêu thị. Mục tiêu của Hòa Phát là phủ sóng và gia tăng thị phần bán hàng trên cả nước.
Tham vọng này của doanh nghiệp thể hiện rõ từ việc liên tục bổ sung những đợt gà giống bố mẹ từ nước ngoài. Tham gia thị trường trứng gia cầm từ năm 2017, đến nay, Gia cầm Hòa Phát đã nhập 8 lô gà giống bố mẹ. Riêng trong năm 2021, Công ty tiến hành nhập lô gà giống đầu tiên 7.500 con từ Australia.
Thị trường trứng gia cầm đang trở nên nhộn nhịp khi nhiều đại gia vào cuộc – Ảnh: ST
Gay gắt, mệt mỏi và… bỏ cuộc
Nhiều doanh nghiệp tham gia, sự đầu tư về quy mô và công nghệ ngày một lớn đã khiến cho sức cạnh tranh trên thị trường trứng gia cầm Việt Nam trở lên khốc liệt hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trái ngược với sản lượng trứng tăng lên, giá trứng gia cầm trong 10 năm nay không mấy thay đổi. Ðiều này đã khiến cho không ít trang trại… mệt mỏi theo đuổi.
>> Theo Cục Chăn nuôi, năm 2021, quý I/2021, tổng đàn gia cầm cả nước đạt khoảng 510 triệu con, tương đương với thời điểm cuối năm 2020. So cùng kỳ năm 2020, sản lượng trứng đạt khoảng 4,3 tỷ quả, tăng khoảng 3,5%, nguy cơ sẽ thiếu hụt sản phẩm gia cầm trong những tháng cuối năm. |
Ðại diện một doanh nghiệp cho biết, trong 10 năm qua, giá đầu vào nguyên liệu hầu hết đều tăng mạnh, giá nhân công cũng tăng nhưng giá trứng gà hầu như không biến động. Vậy nên, để thích ứng, doanh nghiệp lớn bỏ tiền để hiện đại hóa quy trình, giảm tối đa chi phí đầu vào nhằm tăng lợi nhuận. Cùng đó, giảm dần tỷ trọng sản xuất trứng gà, đầu tư sản phẩm chế biến sâu để bảo quản lâu hơn và tạo sức hút người tiêu dùng khi nhu cầu chất lượng đang đặt lên hàng đầu.
Chẳng hạn như Công ty Gia cầm Hòa Phát, đơn vị này được cấp đầy đủ giấy chứng nhận VietGapHP, ISO 9001:2015, HACCP đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho các sản phẩm trứng gà cung cấp ra thị trường. Tất cả các khay trứng đều có mã QR để truy xuất nguồn gốc, giúp khách hàng có thể kiểm tra các thông tin và an tâm khi sử dụng sản phẩm trứng gà Hòa Phát.
Một điều không thể phủ nhận là sản phẩm của các doanh nghiệp lớn hiện chỉ “hợp” với hệ thống siêu thị, còn mảng thị trường rộng hơn là các chợ dân sinh với nhu cầu rất cao của người dân vẫn nhờ nguồn hàng từ các trang trại nông hộ. Tuy nhiên, sức ép từ các công ty đầu tư vốn khủng đang khiến cho nhiều trang trại đuối sức. Ðiều này thể hiện rõ nhất trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, không ít trại chăn nuôi nhỏ đứng trước nguy cơ vỡ nợ, ngừng hoạt động khi tiêu thụ giảm mạnh.
“Thói quen tiêu dùng trứng của người tiêu dùng ngày càng khó tính, trong đó tiêu chí đầu tiên là xem hạn sử dụng. Do đó, để giữ chân khách hàng, Công ty chúng tôi phải thay trứng mới mỗi ngày tại các hệ thống bán lẻ. Nói thì đơn giản chứ việc cung ứng và thu hồi trứng mỗi ngày tại hàng ngàn điểm bán không hề dễ dàng, đòi hỏi mạng lưới nhân sự vận chuyển phải hoạt động liên tục. Thật sự cuộc cạnh tranh ở mảng trứng gà khiến các đối thủ mệt mỏi vì giá trị lợi nhuận thấp. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhu cầu tiêu thụ giảm, giá nguyên liệu tăng, khó khăn càng chồng chất hơn nữa”. Ông Trương Chí Thiện,Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Ðạt |
Phan Thảo