Từ một người từng gặp nhiều bỡ ngỡ, nhưng với tính cần cù, chịu khó học hỏi mà hiện tại, ông Nguyễn Văn Đua, ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đã gầy dựng được trang trại nuôi dê lấy sữa cho hiệu quả kinh tế cao và tạo ra nhiều sản phẩm OCOP cho quê hương.
Đến với trang trại nuôi dê của ông Đua, điều cảm nhận đầu tiên đó là một không gian thoáng mát, sạch sẽ; những con dê với bộ lông trắng tinh mập mạp, khỏe mạnh và thân thiện. Để có được cơ ngơi như hôm nay, ông Đua đã trải qua cả một quá trình.
Khi nhận thấy quê hương mình có nhiều nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp dễ tìm để làm thức ăn cho dê, vì vậy ông Đua quyết định cải tạo lại 2ha đất vườn của gia đình để xây chuồng nuôi dê và trồng cỏ xung quanh (giống cỏ Mulato II) nhằm tạo nguồn thức ăn cho dê. Những ngày đầu đưa dê giống về chuồng nuôi, ông Đua cũng gặp nhiều bỡ ngỡ vì đây là mô hình mới của địa phương. Tuy nhiên, với quyết tâm của bản thân nên ông Đua không ngừng mày mò, học tập kinh nghiệm từ bạn bè đi trước và nghiên cứu trên internet về quy trình nuôi dê đạt hiệu quả. Nhờ vậy, mô hình nuôi dê lấy sữa được ông thực hiện từ năm 2005 đến nay không ngừng phát triển qua từng năm và hiện đã trở thành một trang trại với số lượng dê lớn nhất của tỉnh. Với 15 con dê giống ban đầu được ông mua từ Trung tâm giống Quốc gia nay đã nhân lên được tổng đàn khoảng 300 con, trong đó dê lấy sữa có 250 con.
Sau hơn 15 năm gắn bó với nghề, hiện ông Đua đã gầy dựng được trang trại nuôi dê với số lượng khoảng 300 con.
Để có được những con dê mập mạp, khỏe mạnh và cho nguồn sữa dồi dào, ông Đua cho biết là chuồng nuôi dê cần xây cao khỏi mặt đất từ 0,9 – 1m, bề rộng của chuồng là từ 2 – 2,5m, còn chiều dài thì tùy thuộc vào số lượng dê được thả nuôi nhưng đảm bảo tối thiểu từ 1 – 1,5m/con. Việc xây chuồng cao ráo hơn mặt đất nhằm giúp cho việc vệ sinh chuồng được dễ dàng, khâu xử lý phân dê cũng thuận tiện và hạn chế việc dê tiếp xúc mặt đất để phòng ngừa một số bệnh. Vật liệu xây dựng chuồng dê là thân gỗ hoặc tre và phía trước chuồng dê sẽ làm máng để đưa thức ăn vào. Xung quanh chuồng dê, bà con làm nhà tiền chế để che nắng, mưa; trong đó lưu ý là không dựng các vách nhằm tạo sự thoáng mát.
Cũng theo ông Đua, khi bà con mới bắt dê giống thì nên lựa những con có trọng lượng từ 20 kg trở lên để khi đem về nuôi dê không bị mất sức. Trong quá trình nuôi thì phải đảm bảo cho ăn, uống đầy đủ để dê khỏe mạnh và phát triển. Đối với chế độ ăn thì đảm bảo 3 cử/ngày, riêng dê trong quá trình sinh sản thì có thể tăng thêm số lần cho ăn. Về thức ăn của dê, ngoài nguồn chính là cỏ thì vẫn còn nhiều loại khác rất dễ tìm tại địa phương như rơm rạ, chuối cây, thân bắp, rau muống, lục bình hay lá mít… nên rất phù hợp cho người nông dân trong tỉnh áp dụng.
So với nhiều động vật khác như trâu, bò thì nuôi dê dễ hơn rất nhiều. Ngoài ra, dịch bệnh trên dê cũng ít, trong đó chỉ thường xuất hiện 2 loại bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Vì vậy, để hạn chế bệnh xuất hiện thì người nuôi cần vệ sinh kỹ chuồng trại, nhất là nước uống và thức ăn phải đảm bảo sạch. Ngoài ra, để dê phát triển mạnh khỏe hơn thì hàng tháng người nuôi nên chích thuốc bổ cho dê.
Mặt khác, có một điểm khá đặc biệt mà không phải trang trại hay chuồng nuôi dê nào cũng có là việc ông Đua mở nhạc thường xuyên trong trang trại dê của mình. Theo ông Đua, cách làm trên nhằm giúp con dê giảm stress (căng thẳng), hạn chế phá chuồng, tiết sữa được nhiều hơn do thoải mái và lớn nhanh.
Hiện tại, trang trại của ông Đua nuôi 2 loại giống dê là Saanen và Boer. Sau thời gian nuôi từ 1,5 – 2 năm thì trọng lượng của con dê cái có thể đạt từ 70 – 80 kg/con và dê đực đạt khoảng 100 kg/con. Dê cái trưởng thành (sau 2 – 3 năm nuôi) vào lúc sinh sản có thể cho từ 2 – 2,5 lít sữa/con/ngày. Mỗi con dê cái khi sinh sản sẽ đẻ từ 2 – 3 con. Với 250 con dê cái tại trang trại, hiện mỗi ngày ông Đua thu được từ 40 – 50 lít sữa.
Từ nguồn sữa dê trên, ông Đua phối hợp với một số đơn vị chế biến ra 4 sản phẩm đang được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh và được thị trường trong, ngoài tỉnh ưa chuộng gồm: sữa dê thanh trùng, yaourt sữa dê, sữa chua dê sấy khô (sấy thăng hoa) và phô mai dê. Ngoài kinh doanh từ sữa dê thì hàng năm, ông Đua còn bán khoảng 10% số lượng dê con từ đàn dê cái tại trang trại sinh sản được để bà con trong và ngoài tỉnh mua về làm giống nhân rộng mô hình.
Ông Đua bộc bạch: “Hơn ai hết, chính bản thân mình thấu hiểu được sự khó khăn khi mới bắt đầu vào nghề. Do đó, tôi không ngần ngại chia sẻ mọi kinh nghiệm khi có ai hỏi về quy trình nuôi dê đạt hiệu quả. Đã có không ít người đến đây mua dê giống về nuôi và áp dụng tốt các hướng dẫn nên đều đạt hiệu quả kinh tế. Do dê là loài vật dễ nuôi, không cần diện tích đất rộng nên mô hình rất thích hợp với những hộ có ý chí thoát nghèo. Hiện tại, ngoài bán dê giống, hỗ trợ kỹ thuật thì tôi còn bao tiêu nguồn sữa dê khi bà con liên kết. Tới đây, ngoài tiếp tục nâng cao chất lượng và mẫu mã 4 sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh thì tôi còn dự định đưa ra thị trường thêm một sản phẩm từ sữa dê và cũng đăng ký xét đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh…”.
Bài, ảnh: Hữu Phước
Nguồn: Báo Hậu Giang