Là địa phương cửa ngõ của huyện Dầu Tiếng, kinh tế – xã hội của xã Thanh Tuyền đang ngày một phát triển nhờ sự giao thoa kinh tế với các địa phương lân cận. Trong đó tiêu biểu phải kể đến là sự khá giả lên trông thấy của người dân mà mô hình chăn nuôi bò đang trở thành một con đường làm giàu của nhiều nông hộ.
Thoát nghèo
Với lợi thế có nhiều ruộng vườn trải dài dọc dòng Sài Gòn, xã Thanh Tuyền từ lâu được biết đến như một vùng đất thơ mộng, hữu tình. Dù vậy nhưng từ những năm 2010 trở về trước, cuộc sống của người dân nơi đây còn khá nhiều khó khăn bởi phần lớn người dân làm nông nghiệp theo hướng truyền thống, ít chú trọng vào việc tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đặc tính sinh học của cây trồng, vật nuôi, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.
Những năm gần đây, khi nông dân được tham gia các khóa tập huấn về chăn nuôi bò theo hướng tập trung, khoa học, tổng lượng đàn bò tăng dần đều theo thời gian. Theo thống kê của Hội Nông dân xã Thanh Tuyền, đến nay trên địa bàn xã đã có 3 tổ hợp tác và 1 tổ hợp nghề nghiệp về chăn nuôi bò với số lượng lên đến gần 100 tổ viên. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền cho biết, hiện tổng đàn bò trên địa bàn xã Thanh Tuyền là 1.497 con, trong đó tỷ lệ bò cái đẻ con chiếm khoảng 60 – 70%. Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi bò, nhiều nông hộ ở Thanh Tuyền đã chính thức thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất giàu truyền thống này.
Ông Nguyễn Quốc Trung bên trại bò của gia đình
Được sự giới thiệu của cán bộ xã Thanh Tuyền, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Quốc Trung ở ấp Rạch Kiến để tham quan mô hình nuôi bò cái. Ông Trung cho biết, gia đình ông quê ở Sóc Trăng, vì muốn thoát nghèo nên vợ chồng ông đã lên Bình Dương lập nghiệp. Thời điểm năm 2001, khi mới đặt chân lên Bình Dương, vợ chồng ông làm công nhân cho một công ty sản xuất nước giải khát ở TP.Thuận An. Sau hơn 10 năm tích cóp, ông Trung quyết định nghỉ làm công nhân để về Thanh Tuyền khởi nghiệp với nghề nuôi bò.
Khởi điểm với một cặp bò mẹ con từ năm 2011, đến nay đàn bò của gia đình ông đã có 20 con bò cái, cho thu nhập mỗi năm từ 300 – 350 triệu đồng. Tiếp chuyện với chúng tôi trong khuôn viên trại bò, ông Trung phấn khởi chia sẻ: “Tính đến thời điểm này tôi có thể tự tin nói là mình đã thoát nghèo. Hy vọng thời gian tới mọi việc suôn sẻ để giấc mơ làm giàu sớm trở thành hiện thực”.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Kế bên trại bò của gia đình ông Trung là trại bò của gia đình bà Phan Thị Mỹ Huyền với quy mô đàn 19 con, trong đó có 6 con bò cái và 13 bò đực. Bà Huyền cho biết, gia đình bà đã thực hiện mô hình nuôi bò theo hướng trang trại tập trung đã được hơn 7 năm, hiệu quả kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo bà Huyền, để có được thành quả đó, phải kể đến sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về vốn và tập huấn kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi bò hiệu quả, khoa học.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương mà đặc biệt là nghề nuôi bò, trong những năm qua xã đã đề xuất với cấp trên phương án hỗ trợ bà con nông dân vay vốn ưu đãi nhập con giống và mở các lớp tập huấn kỹ năng chăn nuôi bò hiệu quả. Cụ thể, năm 2020 vừa qua đã có nhiều tổ viên trong các tổ hợp tác chăn nuôi bò của xã Thanh Tuyền tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi với tổng số tiền giải ngân đạt 1,9 tỷ đồng.
Việc tạo điều kiện để người nông dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi mở ra tiền đề giúp nông dân mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng số lượng bò giống. Nhưng để giúp người nông dân làm kinh tế hiệu quả theo hướng phát triển bền vững, những khóa đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ chăn nuôi bò mà Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức thời gian qua cũng không kém quan trọng. Thông qua những lớp tập huấn này, nông dân Thanh Tuyền được trang bị thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để “thúc” đàn bò phát triển nhanh và không bị dịch bệnh, gặt hái hiệu quả cao.
>> Ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, huyện luôn nỗ lực hết sức mình để hỗ trợ người dân làm kinh tế, gia tăng thu nhập. Là một địa phương có tiềm năng và lợi thế lớn về nông nghiệp, huyện luôn khuyến khích người dân tích cực học tập, ứng dụng khoa học – công nghệ vào chăn nuôi, trồng trọt để năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng cao. Nghề chăn nuôi bò ở Thanh Tuyền dù mới phát triển, nhưng tin rằng đây sẽ là một trong những hướng đi mới giúp nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. |