Long An: Phát triển chăn nuôi theo hướng bảo đảm an toàn sinh học

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GS, GC) trên địa bàn tỉnh Long An gây ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) để có phương pháp quản lý, cách ly mầm bệnh hiệu quả, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Giải pháp hữu hiệu để bảo vệ đàn vật nuôi

Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh trên GS, GC có xảy ra, nhưng đều được ngành chức năng xử lý và kiểm soát tốt, không để lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) chưa có vắc-xin để phòng trừ nên người dân vẫn phải chủ động bảo đảm an toàn trong chăn nuôi. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh cúm GC xảy ra tại 1 hộ ở huyện Thạnh Hóa; DTHCP xảy ra tại 11 hộ thuộc 7 xã và 1 thị trấn thuộc 5 huyện: Tân Hưng, Thủ Thừa, Tân Trụ, Mộc Hóa, Tân Thạnh và TP.Tân An, với tổng số heo tiêu hủy 166 con; bệnh dại trên động vật xảy ra ở Bến Lức, Tân Hưng, tiêu hủy 2 con.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, các trang trại chăn nuôi đã và đang phục hồi tốt sau ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc áp dụng quy trình chăn nuôi ATSH còn góp phần giúp sản phẩm chăn nuôi nâng cao được năng suất, chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Phó Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi Long An – Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, Trung tâm đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, lắp đặt hệ thống thông gió, lót đệm sinh học, máng ăn tự động và tuân thủ quy trình vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Hiện tại, trại heo giống của Trung tâm có trên 1.300 con.

chăn nuôi heo

Chăn nuôi an toàn sinh học giúp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả

“Vào cuối năm 2019, DTHCP đã gây ảnh hưởng lớn đến đàn heo của trung tâm. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh trên GS, đặc biệt là heo còn diễn biến phức tạp nên đến nay, số lượng heo tại Trung tâm vẫn chưa thể phục hồi được. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục mở rộng quy mô đàn heo giống và đẩy mạnh áp dụng các phương pháp chăn nuôi ATSH” – ông Thạch cho biết thêm.

Huyện Cần Đước là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn bởi đợt dịch cúm GC cuối năm 2020, đầu năm 2021. Đến nay, tổng đàn GC phục hồi được trên 1 triệu con, trong đó, gà trên 920.000 con. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước – Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: “Sau đợt dịch cúm GC vừa qua, người chăn nuôi trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn trong việc phục hồi đàn GC, đặc biệt là gà, một trong những mũi nhọn của ngành chăn nuôi huyện. Để phục hồi và tăng đàn trở lại, ngành Nông nghiệp huyện khuyến khích người dân tăng cường chăn nuôi ATSH, trong đó, một số ứng dụng khoa học trong chăn nuôi có hiệu quả bền vững đã được triển khai rộng rãi: Sử dụng men vi sinh để xử lý chất thải GC; nuôi GC trên đệm lót sinh học; ủ chua thức ăn thô xanh, ủ rơm với urê,…”.

Mô hình chăn nuôi GC ATSH tại Hợp tác xã (HTX) Tân Mỹ đã và đang phát huy hiệu quả tốt. Giám đốc HTX Tân Mỹ – Võ Đông Triều cho biết, HTX có gần 20.000 con gà lấy thịt và trên 100.000 con gà lấy trứng. Trước đây, việc chăn nuôi của HTX chủ yếu được thực hiện theo phương thức nuôi truyền thống nên con giống, thức ăn, dịch bệnh và kỹ thuật chăm sóc đều không có sự kiểm soát. Vì vậy, đàn vật nuôi thường xuyên bị bệnh, chi phí cho các loại thuốc điều trị cao, gà chậm lớn nên hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, từ khi ứng dụng phương pháp ATSH vào quá trình chăn nuôi: Xử lý nền lên men sinh học, chọn lọc kỹ con giống, quy trình chăn nuôi được tuân thủ nghiêm ngặt,… nhận thấy con gà nuôi có sức đề kháng cao, hạn chế nhiễm các loại dịch bệnh, nên chi phí chăn nuôi giảm, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao. Từ đó, hiệu quả kinh tế tăng từ 15-20% so với chăn nuôi theo phương pháp thông thường.

 

Cần đẩy mạnh chăn nuôi theo An toàn sinh học

Ðến nay, toàn tỉnh có tổng đàn GS trên 200.000 con, trong đó, bò trên 125.000 con, trâu khoảng 7.000 con, heo gần 72.000 con và gần 9 triệu con GC. Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh triển khai tiêm hơn 500.000 liều vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi; triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, phun phòng nhiều đợt tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Huỳnh Thị Kim Phượng, phương pháp chăn nuôi ATSH phải áp dụng tổng hợp, đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nên chủ các trang trại muốn áp dụng theo hướng đi này cần đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín theo quy trình hiện đại; sử dụng kết hợp các biện pháp phòng dịch bệnh: Rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng khử khuẩn thường xuyên, bổ sung thức ăn dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Trong khi đó, thực tế phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ, lẻ, dẫn tới khó kiểm soát dịch bệnh; việc áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.

Để đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi bảo đảm ATSH, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường quản lý chất lượng con giống, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn GS, GC; xử lý tốt vấn đề môi trường. Cán bộ chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố tích cực khuyến cáo người dân chọn con giống bảo đảm chất lượng, năng suất cao; đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo vệ môi trường thông qua việc ứng dụng quy trình, kỹ thuật công nghệ mới: Xây hầm biogas, men sinh học, ủ phân hữu cơ,… để xử lý môi trường trong chăn nuôi. Mặt khác, Sở tiếp tục rà soát, đánh giá lại thực trạng chăn nuôi để làm cơ sở tái cơ cấu ngành gắn với quy hoạch trong những giai đoạn tới./.

B.Tùng

Nguồn: Báo Long An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *