Bệnh viêm da tiết dịch trên heo

(Người Chăn Nuôi) – Trong quá trình chăn nuôi heo, thường xuất hiện một số triệu chứng bệnh gần giống nhau, người nuôi khó phân biệt bệnh một cách chính xác nên khá lúng túng, thậm chí không biết nguyên nhân từ đâu để điều trị, từ đó dẫn đến việc dùng thuốc không khoa học, gây ra những thiệt hại rất đáng tiếc. Mức độ nhiễm bệnh viêm da và thiệt hại do bệnh gây ra tùy thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết và chăm sóc hợp lý của người nuôi.

Nguyên nhân

Bệnh viêm da tiết dịch trên heo là bệnh do vi khuẩn Staphylococcus hyicus gây ra chủ yếu trên heo con nhỏ hơn 8 tuần tuổi. Vi khuẩn sau khi xâm nhập vào cơ thể heo thường làm tổn thương da, đặc trưng là nổi nốt nhanh, mọc dầy đặc trên da, sau vỡ ra tạo thành màng nhờn, rỉ dịch, nhưng không ngứa. Bệnh dẫn đến cơ thể bị mất nước, chậm lớn, có khi gây tử vong. Tỷ lệ mắc bệnh 10 – 90%, tỷ lệ chết 5 – 90%.   

Bệnh thường xảy ra riêng lẻ trên một số ít heo con trong trại. Tuy nhiên, ở một số trang trại có số lượng heo con của heo nái tơ (heo nái đẻ lứa đầu) cao thì rất có thể bệnh sẽ xảy ra nghiêm trọng hơn với tỷ lệ heo con sơ sinh và heo con cai sữa nhiễm bệnh tăng cao.

+ Nhiễm khuẩn thường kèm sau khi da bị trầy, cắn hay bị xước do rơm lót, mùn cưa cứng và bẩn gây tổn thương da.

+ Ghẻ cũng là những tác nhân tiền phát bệnh.

+ Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của hiện tượng này là do trong những ngày trước khi sinh, số lượng vi khuẩn Staphylococcus hyicus trong âm đạo heo mẹ tăng cao. Do đó, heo con có thể nhiễm khuẩn ngay khi vừa mới sinh ra. 

 

Triệu chứng  

Bệnh thường xảy ra mạnh ở heo khoảng 5 – 35 ngày tuổi. Lúc đầu, trên da ở vùng má, mông, đầu gối do cọ hay quỳ xuống nền, xuất hiện những nốt lốm đốm mảnh, nâu nhạt. Trong vòng 3 – 5 ngày, những nốt này lan ra khắp bụng, nách rồi trở nên thâm tím, có khi đen. Bề mặt da lở loét và bao phủ một lớp dịch rỉ nhờn nhờn, sau đông khô dính bết lông và xuất hiện những đám màu nâu trên da. Thân nhiệt không tăng và con vật không ngứa gãi. Những đám lở có thể thấy ở heo lớn, dịch rỉ nhờn nhờn sau đó loét ở vùng lưng, mông, tai bị teo. Heo bệnh đau đớn da nhăn nheo, gầy yếu, giảm cân, chết. Bệnh có thể khỏi, song để lại những sẹo lớn trên thân thể.

viêm da tiết dịch ở heo

Triệu chứng heo mắc bệnh viêm da tiết dịch

 

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh: Căn cứ vào độ tuổi của heo và triệu chứng lâm sàng điển hình như lúc đầu, trên da ở vùng má, mông, xuất hiện những nốt lốm đốm mảnh, nâu nhạt. Sau đó những nốt này lan ra khắp bụng, nách rồi trở nên thâm tím, có khi đen. Thân nhiệt không tăng và con vật không ngứa gãi.

Chẩn đoán phân biệt: Trên lâm sàng cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh sau:

– Viêm da do Circovirus: Làm giảm nghiêm trọng năng suất chăn nuôi, tốn kém chi phí.

– Viêm da trong PMWS:  Sốt 41 – 420C, đột tử, có thể xuất hiện những triệu chứng thần kinh. Sụt cân, hốc hác, lông thô ráp, da tái nhợt thô ráp, xù xì, đóng vảy, đôi khi bị vàng da, chậm phát triển (giai đoạn 6 – 8 tuần tuổi) và tai bị đổi màu.

– Viêm da trong PDNS: Thường phát hiện triệu chứng viêm da suy thận (PDNS) trong những đàn bị PMWS. Tỷ lệ heo cai sữa chết khoảng 6 – 10% nhưng thông thường cao hơn (20%). Tỷ lệ chết ở heo lớn hơn có thể lên đến 10%. Trên da xuất hiện các dấu đỏ trông như những vết xuất huyết của bệnh dịch tả hay phó thương hàn. Những ca bệnh có thể kéo dài trong một đàn nhiều tháng. Chúng thường đạt đến đỉnh điểm sau 6 – 12 tháng và sau đó giảm từ từ.

 

Phòng bệnh

Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Chuồng trại khô ráo, độ ẩm không quá 70%, nhiệt độ không quá nóng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Phun sát trùng định kỳ bằng các loại sát trùng có chứa phenol.

Kiểm tra và sửa chữa chuồng trại, tránh những chỗ gồ ghề có thể gây trầy xước cho heo.

Bấm nanh kỹ, cắt tai, cắt đuôi đúng kỹ thuật. Hạn chế heo cắn nhau do nuôi nhốt mật độ cao hoặc bị stress.

Thực hiện triệt để nguyên tắc cùng vào cùng ra (all in – all out) đối với heo sau cai sữa và heo thịt.

 

Điều trị

Đối với vùng da bệnh:

– Dùng nước lá trầu không sắc đặc tắm sạch, sau đó dùng tiếp dung dịch phèn chua 3% tắm tiếp rồi dùng vải gạc khô lâu khô và bôi Iodine 10% (bôi ngày 2 lần).

– Dùng DERMA SPRAY, xịt một lớp lên vùng da bệnh. Ngày xịt 2 lần. Trong mỗi trường hợp, vết thương rỉ dịch nhờn cần thiết bôi MỠ KẼM OXYD để hút dịch làm khô và nhanh lành bề mặt vùng da tổn thương (hoặc dùng hỗn hợp tự chế: Bột phèn chua (phèn chua đun đến khi cô đặc tán nhỏ) 3 phần trộn với bột kháng sinh 1 phần và dầu cá (Vitamin A) 1 phần. Trộn đều, bảo quản trong lọ kín, bôi vùng da bệnh sau khi rửa sạch.

Dùng thuốc trợ sức, trợ lực và nâng cao sức đề kháng:

– Vitamin C + Vitamin B1 và Urotropin: Tiêm bắp ngày 1 lần, liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm.

– Catosal hoặc Satosal: Tiêm bắp ngày 1 lần, liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm.

– Vitamin ADE: Tiêm bắp ngày 1 lần, liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm

– Dung dịch GlucoKc cùng với Vitamin ADE và vitamin tổng hợp: Hòa nước sạch cho uống hàng ngày.

Dùng kháng sinh diệt vi khuẩn bội nhiễm:

Dùng 1 trong các loại kháng sinh sau:

– AMOXILLIN: 1 ml/ 10 kg thể trọng

– PENDISTREP LA: 1 ml/10 kg thể trọng, 2 ngày tiêm 1 mũi.

– HAN – CLAMOX: 1 ml/10 kg thể trọng/ngày.

– AMPI – KANA: 1 lọ/20 – 30 kg thể trọng.

– HANOXYLIN LA: 1 ml/5 – 10 kg thể trọng, 3 ngày tiêm 1 lần.

Người nuôi cần lưu ý, vi khuẩn Staphylococcus hyicus vẫn thường có mặt trong môi trường sống của heo nhưng nó không gây bệnh. Chỉ khi có điều kiện thuận lợi -> sức đề kháng của heo giảm xuống -> vi khuẩn mới nhân lên với số lượng lớn và gây bệnh cho heo. Khi heo bị bệnh, một số trường hợp quá nặng người nuôi nên loại bỏ để tránh lây lan sẽ tốt hơn điều trị.

PGS. TS Phạm Ngọc Thạch, TS Nguyễn Thị NhiÊn

Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *