Chăn nuôi Việt Nam: Bức tranh sáng – tối

(Người Chăn Nuôi) – Sau hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là hơn 10 năm triển khai Chiến lược phát triển, ngành chăn nuôi đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận.

Ðó là sự tăng trưởng tương đối cao (bình quân hàng năm 5 – 8%) cả đầu con và sản lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu thịt, trứng của người tiêu dùng trong nước, đồng thời đã có một số sản phẩm chăn nuôi được xuất khẩu chính ngạch. Phương thức sản xuất chăn nuôi, giết mổ công nghệ cao, hiện đại đã bước đầu được hình thành, góp phần thay đổi bộ mặt của ngành hàng quan trọng này. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6 – 6,5 triệu nông hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó ngành vẫn còn nhiều mảng tối.

 

Mảng sáng

Những năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng dương, góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Giai đoạn 2008 – 2018, sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần (từ gần 5 tỷ quả lên 11,6 tỷ quả), sữa tươi tăng 3,6 lần (từ 262,2 nghìn tấn lên 936,7 nghìn tấn), thức ăn chăn nuôi (TĂCN) công nghiệp tăng gần 2,4 lần (từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn). Năm 2020, tổng sản lượng thịt các loại sản xuất trong nước ước đạt 5,39 triệu tấn, tăng 5,4% so năm 2019. Sản lượng TĂCN năm 2020 đạt 20 triệu tấn, tăng 5,6 % so năm 2019.

Không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, ngành chăn nuôi nước ta đã xuất khẩu được một số sản phẩm chính ngạch. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt khoảng 1,2 tỷ USD.

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi đã thu hút được các dự án đầu tư lớn từ các doanh nghiệp FDI cũng như các công ty, tập đoàn lớn trong nước. Các doanh nghiệp như C.P, Cargill, Japfa, Bel Gà, Mavin, TH, Hòa Phát, Thaco, Hùng Nhơn, Tân Long, Minh Dư, Cao Khanh, San Hà… đã đầu tư các dự án hàng trăm tỷ đồng vào lĩnh vực sản xuất giống, thức ăn, chế biến giết mổ với tổng mức đầu tư lên tới cả trăm tỷ đồng/dự án. Ðiểm đáng mừng là hầu hết các dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi đều là những dự án quy mô lớn, công nghệ cao, quy trình khép kín. Ðây là nền tảng, tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi từng bước hiện đại hóa, phát triển bền vững.

Chăn nuôi Việt Nam đã có nhiều bước phát triển đáng kể – Ảnh: Netclipart

 

Mảng tối

Bên cạnh những mảng sáng, ngành chăn nuôi nước ta đang bộc lộ không ít bất cập, tồn tại. Ðó là sự phát triển kém bền vững cả về năng suất, giá cả, chất lượng giống, giá thành thức ăn và hình thức tổ chức sản xuất; Công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, an toàn thực phẩm và môi trường còn nhiều bất cập, nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ; Chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ còn phổ biến, thiếu tính liên kết giữa khâu sản xuất và thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế không cao.

Số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, siêu nhỏ có xu thế giảm những năm gần đây, nhưng cơ bản chăn nuôi vẫn là phân tán, tận dụng và thiếu tính hệ thống, sự phát triển chăn nuôi chưa bền vững, giá trị gia tăng thấp. Sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp chiếm tỷ trọng chưa cao. Số lượng trang trại chưa nhiều và quy mô mỗi trang trại còn nhỏ. Năng suất và hiệu quả chăn nuôi chưa cao; Hệ số quay vòng chăn nuôi thấp. Ước tính sản phẩm chăn nuôi theo phương thức công nghiệp chỉ đạt 30 – 35%.

Giống vật nuôi có năng suất cao vẫn phụ thuộc nước ngoài. Năng suất, chất lượng đàn giống nhập khẩu tuy đã đạt được những tiến bộ nhất định, nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp (chăn nuôi heo mới đạt 17 – 20 con cai sữa/nái/năm) so các nước phát triển và khu vực (Ðan Mạch là 31 – 33 con cai sữa/nái/năm; Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan chỉ tiêu này là 24 – 26 con cai sữa/nái/năm). Tỷ lệ hao hụt heo con vẫn còn lớn, từ lúc sơ sinh đến cai sữa 20 – 25%; Cải thiện về năng suất sinh sản chậm; Chưa nghiên cứu những công thức lai phù hợp nâng cao năng suất sinh sản, nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ. Do năng suất thấp, giá thành thịt, trứng sản xuất trong nước còn cao hơn so với sản phẩm cùng loại của thế giới, khiến khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thấp.

Sản lượng TĂCN công nghiệp nước ta tăng hàng năm, nhưng giá thành cao, phụ thuộc phần lớn nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy, mặc dù ngành TĂCN Việt Nam chiếm vị trí nhất nhì Ðông Nam Á, nhưng thực chất vẫn là ngành sản xuất gia công, nên giá trị gia tăng thấp, kém bền vững.

Tốc độ phát triển lĩnh vực chăn nuôi nhanh, nhưng mất cân đối về cơ cấu các sản phẩm, tỷ lệ thịt heo hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao, các loại thịt khác như thịt bò, gia cầm còn thấp. Ðặc biệt, mục tiêu đặt ra là đưa chăn nuôi lên thành ngành chính, nhưng thực tế sản phẩm chăn nuôi phục vụ xuất khẩu chưa nhiều trong khi nhiều mặt hàng khác về trồng trọt, thủy sản đã xuất khẩu lớn, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.

Dịch bệnh mới phát sinh và diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh như: Dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, các chủng cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò… Công tác quản lý dịch bệnh tuy được triển khai nhưng còn nhiều yếu kém, chi phí phòng bệnh cao, chiếm 10 – 15% tổng chi phí đầu vào. Nhiều khó khăn, bất cập trong công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, giống nhập lậu và ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước. Do chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán, điều kiện an toàn sinh học không đảm bảo, công tác vệ sinh, tiêm phòng vẫn chưa được người chăn nuôi chú trọng, khiến dịch bệnh vẫn thường xuyên xẩy ra. Tỷ lệ đàn gia súc, gia cầm chăn thả tự do trong nông hộ được tiêm phòng còn thấp, mới đạt 35 – 40% so với tổng đàn. Ðây là một trong các nguy cơ cao và thách thức lớn nhất đối với ngành chăn nuôi.          

Ðiểm lo ngại nhất hiện nay là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của một số sản phẩm chăn nuôi chưa được kiểm soát, vì vậy khó đáp ứng được yêu cầu của các thị trường quốc tế. Phần lớn gia súc, gia cầm vẫn được giết mổ thủ công, phân tán và không được kiểm dịch giết mổ. Sản phẩm thịt được tiêu thụ chủ yếu ở dạng tươi sống, chưa có nhiều sản phẩm thịt, trứng được chế biến công nghiệp. Tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt heo, trâu, bò, gà, vịt tươi sống bày bán ở các chợ chưa được kiểm soát và không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y đang là thách thức to lớn đối với ngành hàng thịt ở nước ta.

Sản xuất chăn nuôi ở Việt Nam vẫn cắt khúc, thiếu liên kết chặt chẽ. Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết đã hình thành, nhưng còn chiếm tỷ trọng thấp. Chưa xây dựng được mô hình sản xuất lớn theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi heo, gia cầm nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Mặt khác, do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, nên việc áp dụng quy trình sản xuất công nghiệp ở hầu hết các cơ sở chăn nuôi quy mô hộ, gia trại còn hạn chế. Công tác dự báo, dự tính về thị trường sản phẩm chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Sản xuất và tiêu thụ vẫn thụ động, phụ thuộc phần lớn thị trường nội địa. 

Những vấn đề ưu tiên giải quyết

Thứ nhất, cần rà soát sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Có thể nói, hiện nay các chính sách về chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung về cơ bản khá đầy đủ. Ðó là các chính sách về thu hút đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, sản xuất hữu cơ, công nghệ cao, khuyến nông… Nhưng phần lớn các chính sách này chỉ mang tính nhân văn, không khả thi vì các nguyên nhân sau đây: Chính sách bị ràng buộc bởi quá nhiều điều kiện mà đối tượng hưởng lợi không đáp ứng được; Chính sách thiếu nguồn lực để thực thi; Nhiều quy định bị mâu thuẫn và chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, hợp chuẩn, hợp quy không phù hợp thông lệ quốc tế, gây khó khăn và gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp khi phải thực thi và áp dụng (như quy định hợp quy về thức ăn và thuốc thú y, quy định về tiêu chuẩn nước thải trong chăn nuôi, quy định tiếng ồn…). Vì vậy, trước mắt cần phải tháo gỡ ngay các nút thắt về cơ chế chính sách, quy định chưa phù hợp đối với ngành chăn nuôi.

Thứ hai, giải ngay bài toán về nguyên liệu TĂCN. Ðể có thể tiết giảm chi phí và hạ giá thành TĂCN, cần rà soát loại bỏ những loại phí, lệ phí bất hợp lý về kiểm soát đầu vào chất lượng nguyên liệu TĂCN; Giảm thiểu công tác tiền kiểm và chỉ hậu kiểm khi cần thiết. Cần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước (ngô, đậu tương, bột cá, nguyên liệu bổ sung khoáng, vitamin). Sử dụng công cụ thuế, ưu đãi đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong nước các nguyên liệu khoáng, vitamin, axit amin để giảm thiểu nhập khẩu và chủ động trong chuỗi cung ứng.

Thứ ba, xây dựng chiến lược xuất khẩu một số mặt hàng chăn nuôi có lợi thế. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp FDI sản xuất, chế biến và xuất khẩu thịt gà chế biến chín (đàm phán thương mại, hỗ trợ nhanh thủ tục hành chính, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu của từng thị trường). Hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, thủ tục hành chính để đẩy mạnh xuất khẩu thịt gà, heo sữa, TĂCN, trứng vịt muối, trứng cút chế biến và lông vũ.

Thứ tư, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp phát huy vai trò nòng cốt trong sản xuất, kinh doanh và thực hiện tái cơ cấu ngành. Cần phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các hiệp hội ngành hàng trong việc thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi, thực thi pháp luật. Coi đây là động lực chính để công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành chăn nuôi. Các bộ, ngành cần phân cấp và phân quyền cho một số hiệp hội ngành hàng chủ lực trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá, cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi – Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *