Phát triển giống bò lai hướng thịt

(Người Chăn Nuôi) – Với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi gia súc, mới đây UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch phát triển giống bò lai hướng thịt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Dư địa phát triển

Giai đoạn 2010 – 2018, tỉnh Đắk Nông đã tập trung triển khai Dự án cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò thịt tại 8 huyện, thị xã Gia Nghĩa (nay là TP Gia Nghĩa) bằng cách đưa 350 con bò đực lai giống Brahman đỏ lai tạo với đàn bò cái nền địa phương để tạo ra con lai có năng suất nhằm lai tạo nâng cao chất lượng giống bò thịt địa phương. Đồng thời, thông qua các chương trình, đề án, dự án và lồng ghép từ nhiều nguồn vốn khác nhau để triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt, chất lượng đàn bò trên địa bàn tỉnh được cải thiện và nâng lên đáng kể.

Tính đến tháng 12/2020, tổng đàn bò của tỉnh là 31.400 con, đàn bò lai đạt 26.500 con chiếm tỷ trên 80% tổng đàn, đàn bê sinh ra có khả năng sinh trưởng vượt trội so đàn bê trước đây, cụ thể: Trọng lượng sơ sinh 23 kg (cao hơn bê giống bò Vàng Việt Nam 9 kg); ở giai đoạn 6 tháng tuổi đạt 118 kg (cao hơn bê giống bò Vàng Việt Nam 46 kg), còn với giai đoạn 12 tháng tuổi, trọng lượng trung bình của bê lai F1 đạt 175 kg (cao hơn bê giống bò Vàng Việt Nam 72 kg). Giai đoạn 24 tháng tuổi, trọng lượng trung bình của bò lai F1: 250 kg, cao hơn giống bò Vàng Việt Nam 105 kg. Dự án Lai tạo thử nghiệm giống bò BBB trên nền đàn bò cái lai Zebu (lai Brahman, lai Sindhi) được triển khai từ năm 2019, đến nay đã có 94 con bê lai được sinh ra, trọng lượng sơ sinh từ 27 kg đến 38 kg, tăng gấp 1,5 lần so với trọng lượng bê lai Zebu.

Từ các Chương trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế – xã hội; đặc biệt là hiệu quả về khoa học – di truyền giống, tạo ra thế hệ con giống mới có chất lượng cao là tổ hợp của giống bò hướng thịt Brahman và giống bò địa phương, dòng con lai có những đặc tính vượt trội hơn so với bò bố và bò mẹ khả năng chịu được điều kiện chăn nuôi và điều kiện tự nhiên của vùng dự án, chống chịu bệnh tật tốt hơn các giống nhập nội cao sản (di truyền từ bò mẹ); chất lượng thịt tốt, sản lượng thịt cao (ưu thế di truyền từ bò Brahman đỏ). Đây là tiền đề cho việc lai tạo các giống bò thịt có trọng lượng cũng như chất lượng cao hơn trong thời gian tới.

bò lai

Bên cạnh đó, hiện nay, dịch bệnh ở heo (như: bệnh tai xanh, dịch tả heo châu Phi, bệnh lở mồm long móng), dịch bệnh trên cây hồ tiêu gây thiệt hại lớn đến phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Do đó việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi sang nuôi bò là biện pháp thích hợp trong giai đoạn hiện nay; việc thâm canh trồng cỏ trên diện tích đất cây trồng kém hiệu quả 1 ha có năng suất 250 tấn, nuôi được 14 – 20 con bò, tạo việc làm cho 2 – 3 lao động, giá trị trồng cỏ chăn nuôi bò ước tính khoảng 50 triệu đồng (cao hơn một số cây trồng ngắn ngày khác). Do vậy, phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao đang thực sự góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người chăn nuôi trên địa bàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Mặt khác, nguồn thức ăn phát triển chăn nuôi bò phong phú: Đắk Nông có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là: 598.075 ha, chiếm 91,88% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích đất trồng cây hàng năm lớn (diện tích là 366.40, chiếm 56,29%), điều kiện khí hậu thuận lợi phát triển cây trồng ngắn ngày (như: lúa, ngô, khoai lang, đậu, lạc…) đây là nguồn thức ăn phong phú và dồi dào phục vụ cho việc phát triển đàn bò.

 

Giải pháp thực hiện

Kế hoạch phát triển giống bò lai hướng thịt của tỉnh Đắk Nông cũng đề ra một số giải pháp để thực hiện; trong đó có nhóm giải pháp về mặt kỹ thuật.

Theo đó, sẽ lựa chọn đơn vị cung cấp tinh bò đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng tinh bò giống khi đưa vào phối giống nhân tạo, để tạo ra đàn bò lai có năng suất, chất lượng cao. Đàn cái nền lai được lựa chọn, bình tuyển đảm bảo tiêu chuẩn về giống (Tiêu chuẩn bò giống căn cứ theo tiêu chuẩn QCVN 01-44:2011/BNNPTNT về quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khảo nghiệm, kiểm định bò giống hướng thịt). Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn cho người dân phương pháp phát hiện động dục và xác định thời điểm phối giống thích hợp để thực hiện thụ tinh nhân tạo đạt hiệu quả.

Đồng thời, khuyến khích thụ tinh nhân tạo cho đàn bò để tạo con lai có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Hướng dẫn các quy trình quản lý giống bò trên địa bàn tỉnh để công tác lai tạo đạt hiệu quả cao, tránh đông huyết cho đàn bò trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích, vận động người chăn nuôi bố trí diện tích phù hợp để trồng cỏ mới, trồng cây thức ăn thô xanh hoặc chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các giống cỏ cao sản và các loại thức ăn thô xanh khác; cùng đó, tận dụng nguồn thức ăn thô xanh hiện có trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu về thức ăn thô xanh cho đàn bò thịt toàn tỉnh. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ để phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo đàn bò gồm: Bình nitơ bảo quản tinh, súng bắn tinh, tinh bò, nitơ bảo quản tinh… để nâng cao chất lượng đàn bò của tỉnh.

>> Theo định hướng đến năm 2030, tổng đàn bò của tỉnh Đắk Nông đạt trên 62.000 con, trong đó khoảng 24.800 con bò cái sinh sản, gần 37.400 con bò thịt với sản lượng thịt dự kiến trên 9.300 tấn. Để đạt được mục tiêu trên, giải pháp của tỉnh là tập trung cải tạo giống bò theo hướng tăng năng suất và chất lượng; chú trọng cải tạo đàn bò cái nền bằng các giống bò Brahman đỏ để nâng cao tầm vóc và cải thiện chất lượng thịt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *