(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Xin cho biết kỹ thuật khử trùng khi ấp nở trứng gia cầm?
Trả lời:
Ấp nở trứng là giai đoạn rất quan trọng, quyết định sức khỏe của đàn gia cầm cũng như sự phát triển về sau. Việc khử trùng được thực hiện như sau:
– Tại cơ sở, địa điểm ấp nở trứng thì hàng tuần cần phải quét dọn, lau chùi, phun thuốc khử trùng tất cả xung quanh sàn, tường, khu vực ấp nở, khay tạo ẩm… Đối với các vật liệu dùng để đậy trứng cần được xông khử trùng hoặc phơi nắng mỗi tuần một lần và giặt sạch bằng xà phòng tối thiểu mỗi tháng một lần để diệt trừ một số loại nấm mốc.
– Còn với máy nở, khu vực nở, khi kết thúc mỗi đợt nở, cần đưa tất cả gia cầm con ra khỏi khu vực nở, dùng chổi quét, thu gom tất cả chất thải rắn ở máy nở, nơi nở (vỏ trứng, trứng hỏng, gia cầm chết…) đưa đi xử lý để tránh phát sinh dịch bệnh có thể lây lan. Phun khử trùng toàn bộ khu vực nở, bề mặt máy, thiết bị, dụng cụ, sàn khu vực nở và xông hoặc phun khử trùng máy nở, thiết bị trước khi cho nở lứa tiếp theo.
– Tại khu vực xuất gia cầm con, cần xử lý được hết lượng chất thải dư thừa, phun thuốc khử trùng.
Các phương pháp khử trùng khi ấp trứng nở cần phải kể đến là xông trứng bằng khí formaldehyde hoặc Ôzôn, chiếu đèn UV (tử ngoại), phương pháp phun sương hoặc chất khử trùng. Đối với thời gian khử trùng cho trứng nở tốt nhất là ngay sau khi trứng được đẻ ra còn ướt và ẩm.
Máy ấp trứng cần phải được vệ sinh trước bằng cách dùng BENKOCID lau các khung máy và lau khô. Xông sát trùng với liều 17,5 g thuốc tím + 35 ml formol/m3 thể tích máy ấp trứng trong vòng 1 giờ. Sau đó mở cửa cho bay hết hơi hóa chất và chạy máy để đạt nhiệt độ ấp theo yêu cầu.
Lưu ý khi xông sát trùng máy ấp nở: Bắt buộc phải sử dụng găng tay và khẩu trang để đảm bảo sức khỏe. Khi thao tác cần làm chính xác và cẩn thận, tránh thuốc dính vào da và mắt. Sử dụng chậu gang hoặc chậu sành để tránh hiện tượng cháy làm thủng chậu. Đầu tiên đổ formol vào chậu rồi mới cho thuốc tím vào, sau đó ngay lập tức đóng kín máy ấp trứng để hơi không bay ra ngoài gây ảnh hưởng sức khỏe.
Hỏi: Gia đình tôi muốn tìm hiểu để nuôi gà Hồ và gà Đông Tảo. Xin cho biết đặc điểm 2 giống gà trên?
Trả lời:
Đây là 2 giống gà nuôi khá phổ biến ở miền Bắc nước ta hiện nay, cho hiệu quả về nuôi thịt khá.
Gà Hồ
Có nguồn gốc từ thị trấn Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Gà Hồ có thân hình vạm vỡ và là giống gà địa phương có từ lâu đời. Con trống có đặc điểm: Đầu công, mình ốc, cánh vỏ trai, đuôi nơm (nơm úp cá), cổ màu đỏ, mào xuýt (mào kép), diều cân ở giữa, ngực nở, thân hình chắc chắn; quản ngắn, đùi dài (cho thịt đùi nhiều) chân tròn, ngón tách nhau, da vàng, thịt ngon, lông mã lĩnh hay mận chín. Lông gà mái có màu lá chuối hay màu vỏ nhãn, màu đất thó. Khối lượng mới nở 45 g/con, lúc trưởng thành con trống nặng 4,5 – 5,5 kg/con; con mái nặng 3,5 – 4 kg/con. Khoảng 7,5 – 8 tháng gà Hồ bắt đầu đẻ. Một năm đẻ 3 – 4 lứa, mỗi lứa đẻ được 10 – 15 quả trứng. Khối lượng trứng 50 – 55 g/quả, trong đó, tỷ lệ trứng có phôi là 80%, tỷ lệ ấp nở 70%, tỷ lệ nuôi sống đến 2 tuần tuổi 80%.
Gà Đông Tảo
Là giống gà địa phương có nguồn gốc từ thôn Đông Tảo, xã Cấp Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Gà có ưu điểm: Tầm vóc lớn, khối lượng trứng to; nhưng có nhược điểm xương to, đẻ ít, khả năng tăng đàn chậm, gà con mọc lông chậm; đầu to, mào nụ, mắt sâu, chân to xù xì có nhiều hàng vảy, xương to, nhiều thịt nhưng thịt không mịn; da đỏ ở bụng và cổ (đối với gà trống), da màu trắng đục (đối với gà mái). Lông của con trống chiếm đa số có màu mận chín, con mái có hai màu lông điển hình: lông xám xen kẻ đốm đen, nâu (màu lá chuối khô) chiếm đa số và lông màu nõn chuối chiếm số ít. Khối lượng lúc mới sinh là khoảng 33 g. Gà thịt lúc 4 tháng tuổi có khối lượng trung bình con trống đạt 2,5 kg, con mái đạt 2 kg. Gà sinh sản lúc 4 tháng tuổi con trống trung bình đạt 4,8 kg, con mái 3,5 kg. Sản lượng trứng trong năm khoảng 70 quả, khối lượng trứng 55 – 57 g, tỷ lệ trứng có phôi 88%, tỷ lệ ấp nở 70%, tỷ lệ nuôi sống đến 8 tuần tuổi 85%.