Giảm chi phí thức ăn gia cầm bằng bổ sung enzyme

(Người Chăn Nuôi) – Bổ sung enzyme thường có giá khoảng 2 USD cho mỗi tấn thức ăn. Tuy nhiên, việc bổ sung enzyme có thể giảm chi phí thức ăn của gà thịt tới 4 – 11 USD/tấn, đối với mái đẻ lên tới 9,8 USD/tấn và chi phí thức ăn cho 1.000 kg trứng được sản xuất có thể giảm 21,2 USD mỗi tấn.

Tác dụng của một số enzyme thông dụng

Một số loại enzyme thường được sử dụng trong các chương trình nuôi dưỡng gia cầm, hoặc là riêng lẻ hay kết hợp. Mỗi enzyme có một vai trò cụ thể trong tiêu hóa thức ăn:

– Amylase: Enzyme này được sản xuất với những lượng nhỏ trong cơ thể, do đó nên được cung cấp từ các nguồn bên ngoài để tăng cường tiêu hóa tinh bột. Khi enzyme này được sử dụng trong khẩu phần, sẽ có sự gia tăng khoảng 3 – 5% năng lượng thức ăn khả dụng cho gia cầm. Nó hiệu quả hơn khi kết hợp với xylanase.

– Protease: Enzyme này cũng được sản xuất với số lượng không đủ trong cơ thể và cần được cung cấp từ các nguồn bên ngoài. Nó hoạt động trên các chất kháng dưỡng của protein có trong một số thành phần thức ăn như đậu nành, do đó làm cho protein khẩu phần hữu dụng hơn.

– Cellulase: Cellulase không thể được tổng hợp trong cơ thể và cũng cần được cung cấp từ các nguồn bên ngoài. Nó phân giải phân tử cellulose thành các loại đường đơn như beta-glucose hoặc các polysaccharide và ligosaccharide ngắn hơn.

– Phytase: Một công nghệ đã xác nhận nó được sử dụng để giải phóng một số phốt pho không tiêu hóa và làm giảm sự bài tiết của nguyên tố này, do đó làm giảm chi phí bổ sung phốt pho vô cơ.

 

Enzyme và tiết kiệm thức ăn cho gà thịt

Trong một nghiên cứu về ảnh hưởng của việc sử dụng enzyme lên chi phí thức ăn, một hỗn hợp amylase, protease và phytase đã được sử dụng trong thức ăn cho gà thịt dựa vào bắp với 1 g/kg. Kết quả chỉ cho thấy các enzyme này làm giảm được lượng chất dinh dưỡng cần thiết trong khẩu phần, đồng thời duy trì được tăng trọng và chuyển hóa thức ăn ở mức tương tự như gà được ăn khẩu phần tiêu chuẩn (giảm 145 kcal ME trên kg, giảm 4% các acid amin, giảm 0,10% phốt pho tổng số và giảm 0,12% canxi), dẫn đến tiết kiệm chi phí thức ăn khoảng 11 USD/tấn. Việc bổ sung các enzyme ngoại sinh cũng tỏ ra giảm được chi phí thức ăn bằng cách thay thế các nguyên liệu thức ăn đắt tiền bằng các nguyên liệu rẻ hơn. Ví dụ, người ta đã phát hiện ra rằng việc thêm enzyme phytase vào bột khô hạt cải dầu, một nguồn protein rẻ tiền, cũng bổ dưỡng cho gà thịt như bột khô dầu đậu nành được sử dụng rộng rãi (khô dầu hạt cải rẻ hơn ước khoảng 130 USD/tấn so với đậu nành năm 2014).

Ngoài ra, phytase giải phóng phốt pho từ phân tử phytate trong đường tiêu hóa và làm nó hữu dụng cho gia cầm, do đó giảm chi phí bổ sung phốt pho vô cơ cần thiết cho sự phát triển và duy trì hệ xương của chúng. Nó cũng giảm thiểu được lượng phốt pho liên kết phytate bài tiết và do đó ngăn ngừa các tác động tiêu cực đến môi trường. Trong khi phytase phổ biến có nguồn gốc từ các loài nấm khác nhau, các sản phẩm thế hệ mới có nguồn gốc từ các nguồn vi khuẩn. Phytase thế hệ mới có hiệu quả hơn khoảng 45% trong về tăng thể trọng và hiệu quả hơn khoảng 70% trong việc cải thiện chuyển hóa thức ăn. Những cải thiện này là do khả năng vượt trội của phytase thế hệ mới để giải phóng nhiều phốt pho khỏi phytate của khẩu phần, bên cạnh tác dụng có lợi của nó trong việc làm giảm các đặc tính kháng dưỡng của phytate. Về mặt kinh tế, việc sử dụng phytase thế hệ mới có thể giúp tiết kiệm khoảng 4 – 6 USD/tấn thức ăn chất lượng thấp.

 

Enzyme và tiết kiệm thức ăn cho gà đẻ

Khẩu phần gà đẻ nên được bổ sung với lượng enzyme cao hơn so với lượng cần thiết cho gà thịt (4 g/kg trở lên). Điều này là do gà đẻ cần thêm enzyme trong thức ăn để bù cho việc giảm sản xuất enzyme nội sinh khi chúng trưởng thành. Cũng có thể có các yếu tố chưa biết ảnh hưởng đến việc sử dụng enzyme ở lứa tuổi cao, điều này thúc đẩy nhu cầu ứng dụng enzyme ngoại sinh. Trong một nghiên cứu, nhiều chế phẩm enzyme đã được sử dụng trong khẩu phần dựa trên bắp và đậu nành. Những khẩu phần này được thiết lập để chứa năng lượng cao (2.753 kcal/kg) và năng lượng thấp (2.638 kcal/kg) và được cho gà đẻ trong khoảng thời gian 26 tuần (41 – 67 tuần tuổi). Trong cả hai trường hợp, chi phí thức ăn đã giảm 9,8 USD/tấn và chi phí thức ăn cho mỗi 1.000 kg trứng được sản xuất đã giảm 21,2 USD. Các nghiên cứu khác đã cho thấy một tác động đáng kể đến sản xuất trứng, tổng khối lượng trứng và chuyển hóa thức ăn. Điều đã được chứng minh thêm là bổ sung vào khẩu phần bắp – khô đậu nành với các enzyme không chỉ làm tăng năng lượng hữu dụng của các loại đậu mà còn giúp làm giảm các rối loạn tiêu hóa liên quan đến nguồn carbohydrate trong khẩu phần. Sự cải thiện gây ra bởi việc chuẩn bị enzyme vượt quá chi phí áp dụng của nó, giúp tăng lợi nhuận của việc sản xuất trứng.

 

Tiềm năng sử dụng các nguồn enzyme tự nhiên

Lợi thế kinh tế hơn nữa có thể đạt được khi sử dụng các nguồn enzyme tự nhiên. Ví dụ như quả sung khô, có thể cung cấp như một nguồn enzyme tự nhiên như cellulase, xylanase và glucanase. Những enzyme này có thể hữu ích trong khẩu phần kém tiêu hóa có chứa hàm lượng lúa mạch cao hoặc các loại hạt cốc khác. Độ nhớt cao của chất chứa ở ruột với các khẩu phần như vậy làm giảm khả năng tiêu hóa và sử dụng. Một nghiên cứu đã được thực hiện để so sánh hiệu suất của gà thịt được ăn khẩu phần bổ sung bằng hỗn hợp enzyme nhân tạo hoặc bột quả sung khô. Tốc độ tăng trưởng và hiệu quả thức ăn đã tăng lần lượt 7% và 12% bằng cách cho quả sung khô. Đồng thời, tiêu thụ nước và tỷ lệ chết đã giảm tương ứng 3% và 1,8%. Tuy nhiên, không có thông tin nào về tác dụng của việc sử dụng quả sung khô trong khẩu phần gà đẻ. Chi phí của khẩu phần quả sung khô thay đổi từ nơi này sang nơi khác nhưng trong tất cả các trường hợp thấp hơn khẩu phần chứa các enzyme thương mại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *