(Người Chăn Nuôi) – Cơ thể gà mái tạo ra trứng từ các chất dinh dưỡng có trong thức ăn ăn vào và được dự trữ trong cơ thể. Gà mái trong tự nhiên có đủ thời gian chuẩn bị để đẻ một số lượng trứng vừa đủ nhằm duy trì nòi giống. Do đó, cơ thể gà đảm bảo có đầy đủ các chất dinh dưỡng dự trữ giúp cho trứng đẻ ra có chất lượng tốt.
Thiếu Vitamin A (Retinol)
Vitamin A có vai trò quan trọng nhất cho sự phát triển, sức lớn và thể trạng của phôi cũng như của gà con. Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khung xương cũng như việc hình thành da ở gà. Khi thiếu Vitamin A, phôi sẽ ngừng phát triển, tỷ lệ phôi chết tăng đáng kể. Gà con nở ra, nhất là vịt con mắt nhắm nghiền hoặc mở rất khó khăn. Đôi khi mắt bị dính chặt và có nhiều dử. Da chân khô, ráp.
Thiếu Vitamin B1 (Thiamine)
Vitamin B1 rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của phôi. Khi thiếu Vitamin B1 trong thức ăn của đàn gà sinh sản sẽ làm các phôi bị chết vào cuối quá trình ấp. Các phôi chết có bệnh tích xuất huyết ở mình, bụng sưng và dãn cơ bụng. Biểu hiện đặc trưng là viêm đa thần kinh (Polineuritis) ở gà con nở ra. Gà đi ngật ngưỡng, loạng choạng kèm theo triệu chứng thần kinh.
Thiếu Vitamin B2 (Riboflavine)
Vitamin B2 rất cần thiết cho sự phát triển của phôi và giúp cho tỷ lệ ấp nở cao. Trong một giới hạn nhất định, tỷ lệ ấp nở trứng gà tỷ lệ thuận với lượng Vitamin B2 trong thức ăn gà sinh sản, tuy nhiên khi vượt quá mức giới hạn, Vitamin B2 không ảnh hưởng tới tỷ lệ ấp nở nữa. Vitamin B2 đảm bảo cho khả năng sinh trưởng, phát triển của đàn gà con khi nở và tránh bị hiện tượng “ngón chân khoèo”. Nếu thiếu Vitamin B2, phôi ngừng lớn, tỷ lệ phôi chết tăng lên đặc biệt ở giữa và cuối quá trình ấp. Thiếu Vitamin B2 gây các triệu chứng của bệnh Micromelia, chân ngắn, ngón cong, lông kim và phôi còi, có thể có dị hình ở hộp sọ như mỏ trên ngắn, các phôi thường bị chết từ 9 – 14 ngày ấp. Mổ khám các phôi bị chết khoảng từ 16 ngày ấp trở đi thấy thận sơ khai (ống wolff) bị thoái hóa, phù thũng, sưng to, gan màu cánh gián hoặc xanh lá cây sẫm, nhất là lá gan bên trái.
Thiếu Vitamin B7 (Vitamin H – Biotin)
Khi thiếu Vitamin B7, tỷ lệ đẻ của đàn gà sinh sản không giảm nhưng chất lượng trứng ấp giảm đáng kể. Khi thiếu quá nhiều Vitamin B7 trong thức ăn thì tỷ lệ phôi bị chết sẽ tăng vọt vào khoảng ngày ấp thứ 3. Nếu thiếu ít hơn thì các phôi sẽ chết vào quãng giữa và cuối quá trình ấp. Thiếu Vitamin B7 thường gây bệnh Micromelia kèm theo hiện tượng “mỏ vẹt”, phôi chết có mỏ dưới ngắn, mỏ trên dài quặp xuống dưới, các xương dài của chân bị ngắn lại một cách đáng kể, xương chày cong, các khớp xương bị vặn xoắn. Có thể quan sát thấy một màng mỏng giữa ngón chân thứ 3 và 4. Gà con 1 ngày tuổi có thể có triệu chứng thần kinh, gà ngửa đầu vào lưng và quay tròn liên tục cho tới chết, một số con có thể có biểu hiện đầu gập xuống bụng. Ngoài ra khi thiếu Biotin còn có thể gây ra bệnh Perosis ở gà con mới nở, khớp xương bàn và xương chày bị sưng to và vặn xoắn gây trượt gân ra ngoài, gà đi lại rất khó khăn hoặc thậm chí không đứng dậy được.
Thiếu Vitamin B9 (Axit folic)
Vitamin B9 giúp đảm bảo tỷ lệ ấp nở cao, gà con nở ra khỏe mạnh, lớn nhanh và lông phát triển bình thường. Nếu bị thiếu Vitamin B9 trong thức ăn của đàn gà sinh sản thì tỷ lệ chết phôi sẽ tăng lên một cách đáng kể vào những ngày ấp cuối. Khi bị thiếu quá nhiều Vitamin B9, phôi sẽ bị còi, chân và mỏ bị dị hình. Một số phôi chết có xương chày bị cong, đầu dẹt, mắt nhỏ và thường có một túi trong suốt ở trên thủy tinh thể. Xương hàm dưới kém phát triển hoặc không có hoàn toàn. Cổ phôi dài và thường bị vặn xoắn. Có một số trường hợp bị phù thũng toàn thân. Các cơ quan trong khoang bụng phát triển nhanh hơn cơ thể nên bụng phình to hẳn.
Thiếu Vitamin B12 (Cobalamine)
Vitamin B12 giúp đảm bảo tỷ lệ ấp nở trứng cao mặc dù nếu thiếu nó tỷ lệ đẻ của gà có thể không bị ảnh hưởng. Khi bị thiếu Vitamin B12, tỷ lệ chết phôi sẽ tăng lên đặc biệt trong giai đoạn 26 – 18 ngày ấp. Biểu hiện đặc trưng thường gặp là cơ chân phôi gà bị teo đi, chân dài bình thường nhưng rất nhỏ vì cơ không phát triển. Xuất huyết ở chân phôi, mình phôi, cơ và gân. Có thể có xuất huyết ở màng niệu nang và túi lòng đỏ. Tim phôi bị biến dạng, tuyến yên to, thành ruột mỏng, mỡ ở gan/thận, hoặc gan to và tái. Gà con bị chết phần lớn có liên quan với sự thiếu hụt Vitamin B12 vào lúc nở.
Thiếu Vitamin C (Axit ascorbic)
Ở gà con 0 – 3 tuần tuổi và gà mái đẻ già cơ thể không tổng hợp đủ Vitamin C cho các hoạt động sống, vì vậy, việc bổ sung Vitamin C sẽ làm tăng quá trình khoáng hóa (mineralisation) của cơ thể và tăng hiệu quả sử dụng khoáng. Nếu thiếu Vitamin C sẽ làm giảm tốc độ sinh trưởng, giảm sản lượng trứng, giảm chất lượng vỏ trứng và xương, giảm tỷ lệ nuôi sống, giảm tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ ấp nở, giảm khả năng đáp ứng miễn dịch và trung hòa độc tố, tăng stress ở gia cầm, đặc biệt trong điều kiện nóng.
Thiếu Vitamin D3 (Cholecalciferol)
Vitamin D3 rất cần thiết cho sự phát triển của phôi vì nó liên quan chặt chẽ với quá trình trao đổi chất và hấp thụ canxi, phốt pho. Khi bị thiếu Vitamin D3 thì chất lượng trứng sẽ giảm trước khi tỷ lệ đẻ bị ảnh hưởng. Tỷ lệ ấp nở trứng sụt giảm, tỷ lệ trứng dị dạng tăng. Trứng có vỏ mỏng và giảm thành phần khoáng ở bên trong nên nước từ trứng bay hơi đi mạnh và giảm khả năng chịu lực, vì vậy tỷ lệ trứng dập vỡ trong quá trình vận chuyển, sắp xếp tăng lên. Phôi sẽ bị thiếu cả canxi, phốt pho và có thể dẫn đến chết phôi. Thiếu nhiều Vitamin D3 làm tăng tỷ lệ phôi chết trong nửa sau của quá trình ấp, đặc biệt là những ngày cuối. Các phôi chết trong khoảng 10 – 14 ngày ấp, mình sưng mọng, dưới da có nhiều chất lỏng, đôi khi da bị xung huyết. Tuy nhiên, khi thừa Vitamin D3 cũng sẽ làm giảm tỷ lệ ấp nở của trứng.
Thiếu Vitamin E (Tocoferol/Tocotrienol)
Vitamin E có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa của các tế bào và có tác dụng chống ôxy hóa, bảo vệ Vitamin A và chất béo của màng tế bào khỏi bị ôxy hóa, tạo hồng cầu, giúp cơ thể sử dụng Vitamin K…. Nếu thiếu Vitamin E sẽ làm tăng tỷ lệ trứng không phôi. Sau 24 giờ ấp, quá trình tạo phôi và phát triển của phôi chậm, hệ tuần hoàn không được hình thành hoặc bị phá hủy ngay sau khi hình thành. Do đó có thể thấy xuất hiện vòng máu. Phôi chết nhiều, đặc biệt là vào khoảng 3,5 – 4 ngày ấp do hệ tuần hoàn bị rối loạn hoạt động hoặc bị xuất huyết.