(Người Chăn Nuôi) – Heo mắc các bệnh do thiếu dinh dưỡng thường khó chẩn đoán và phát hiện. Vì vậy, người nuôi cần theo dõi thường xuyên các triệu chứng và kiểm soát tốt khẩu phần ăn nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Thiếu protein
Sự thiếu hụt protein có thể là kết quả của lượng thức ăn ăn vào dưới mức tối ưu, hoặc do thiếu một hay nhiều axit amin thiết yếu, làm giảm mức tăng trưởng, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn cao và lượng mỡ trong thân thịt ở heo đang phát triển và heo vỗ béo nhiều hơn. Ở heo nái đang cho con bú, sản xuất sữa bị giảm, khối lượng cơ thể giảm quá mức và heo nái có thể không động dục được lại sau cai sữa. Biện pháp khắc phục là các chất bổ sung protein không nên cho ăn trực tiếp mà nên được trộn với các loại nguyên liệu có sẵn. Hàm lượng protein thô nên dao động khoảng 15 – 26%, tùy từng giai đoạn.
Thiếu chất béo
Một số axit béo mạch dài không bão hòa là cần thiết cho heo nái. Axit linoleic rất cần thiết trong khẩu phần ăn và được sử dụng cùng axit béo mạch dài. Thiếu axit linoleic sẽ gây rụng lông, bong da, viêm da, hoại tử da cổ và vai, và sự tăng trưởng kém ở heo đang phát triển. Khẩu phần ăn của heo thông thường chứa đầy đủ chất béo từ các thành phần tự nhiên.
Thiếu khoáng chất
Sự thiếu hụt canxi và phốt pho sẽ dẫn tới bệnh còi xương ở heo đang phát triển và mềm xương ở heo trưởng thành. Các triệu chứng bao gồm sự biến dạng và cong phần xương dài, heo con đi khập khiễng, gãy xương và liệt hai chân sau (là kết quả của việc gãy xương vùng hông) ở heo nái già. Do heo nái sản xuất lượng sữa ở mức cao và cho con bú nên sẽ dễ bị liệt sau khi heo cai sữa nếu thiếu canxi hoặc phốt pho trong cơ thể. Nếu ổ đẻ của heo nái từ 11 con trở lên thì cần nhu cầu canxi rất lớn, mỗi ngày heo nái sản xuất 10 – 12 lít sữa thì cần hấp thu 12 – 17 g canxi. Nếu heo nái cao sản có thể sản xuất 16 – 18 lít sữa/ngày, cần khoảng 22 g canxi. Trong trường hợp thay đổi tỷ lệ canxi và phốt pho, hệ số tiêu hóa canxi không đổi, tỷ lệ tiêu hóa canxi là 45% đối với heo có trọng lượng trên 50 kg.
Ngoài ra, heo được ăn khẩu phần ăn ít muối (NaCl) sẽ làm giảm tăng trưởng và sức khỏe, phần lớn là do giảm lượng thức ăn ăn vào. Thức ăn bị mặn muối, heo có thể đề kháng được khi được cung cấp nước đầy đủ, nhưng thiếu nước heo sẽ bị ngộ độc, thể hiện heo ốm yếu, lảo đảo, động kinh, tê liệt và có thể chết. Trong sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh của heo sinh sản, heo choai và heo vỗ béo cần bổ sung 0,3 – 0,5% muối.
Thiếu Vitamin
Hầu hết trong các khẩu phần ăn thương mại đều bổ sung vitamin và các hỗn hợp vitamin có sẵn, vì vậy việc thiếu vitamin ít phổ biến hơn so với những năm gần đây. Bổ sung vitamin cho heo có tác dụng kích thích sinh trưởng và tăng trọng. Trong đó, Vitamin ADE là ba loại có tác dụng kích thích tổng hợp các tế bào cho cơ thể, tạo xương và phát triển cơ bắp. Hiện nay trên thị trường, tỷ lệ những loại Vitamin ADE dạng tiêm trong 1 ml thường có Vitamin A: 500.000 UI; Vitamin D: 75.000 UI, Vitamin E: 50 UI. Người nuôi có thể bổ sung cho heo con theo liều lượng 0,5 ml/con trong tháng thứ nhất. Nên tiêm Vitamin E cho đàn heo con yếu, đẻ non trước khi tiêm sắt 1 – 2 ngày.