(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Bò bị bệnh viêm vú thì điều trị như thế nào, nguyên nhân, cách phòng bệnh này?
Trả lời:
Viêm vú là bệnh thường gặp trong chăn nuôi bò sữa, bò đang cho con bú. Bệnh nếu không điều trị kịp thời thì sẽ biến chứng gây hại đến tuyến vú và sức sản xuất sữa của bò hoặc có thể gây chết. Nguyên nhân dẫn đến việc bò bị viêm vú: Có thể do nhiễm vi trùng gây bệnh từ môi trường chăn nuôi, dụng cụ vắt sữa, chuồng trại kém vệ sinh, chăm sóc quản lý không đúng, hoặc kế phát từ các bệnh khác. Hoặc do cấu tạo bầu vú của bò quá to và núm vú dài dễ chạm vào kheo chân khi di chuyển, lỗ đầu vú quá to, bò già khai thác sữa lâu năm, giai đoạn đầu kỳ cho sữa và giai đoạn cạn sữa bò dễ bị viêm vú.
Điều trị: Khi phát hiện bò bị viêm vú cần cách ly bò bị viêm vú, giảm khẩu phần thức ăn tinh, thức ăn chứa nhiều nhựa, nhiều nước và thức ăn có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Tăng cường vắt sữa 3 – 5 lần/ngày để thải trừ mầm bệnh, giảm cương cứng bầu vú, thường xuyên tiến hành xoa bóp bầu vú bị viêm bằng khăn sạch nhúng vào nước ấm. Đối với bò bị viêm vú được phát hiện sớm kịp thời thì sử dụng một trong các loại kháng sinh sau để tiêm bắp cho bò: Gentamycin, Bio-Amox, Bio-Genta.Amox hoặc Kanamycin… Đối với bò bị viêm vú nặng, viêm vú hoá mủ thì ngoài việc dùng kháng sinh tiêm bắp cho bò còn sử dụng kim thông vú bơm nước muối sinh lý hoặc dung dịch thuốc tím pha loãng với nồng độ 1‰ bơm vào bầu vú, vắt kiệt để rửa tuyến vú, sau đó bơm trực tiếp kháng sinh (chú ý không sử dụng loại kháng sinh dạng nhũ dầu bơm vào bầu bú) hoặc các loại thuốc đặc trị viêm vú bơm vào bầu vú. Cùng với đó là kết hợp hộ lý chăm sóc bò sữa, cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống theo nhu cầu, đồng thời bổ sung vitamin nhằm tăng sức đề kháng cho bò.
Phòng bệnh: Cho bò ăn uống đầy đủ, cân đối theo khẩu phần bò trong giai đoạn vắt sữa. Cần thực hiện vắt sữa đúng quy trình kỹ thuật. Trước khi vắt sữa: Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, vệ sinh sạch bầu vú và tay người vắt sữa hoặc máy vắt sữa. Vắt sữa ở bò khỏe trước, vắt bò ốm sau. Vắt vài tia sữa đầu tiên từ mỗi núm vú vào khay tối màu hoặc vải đen để quan sát màu sắc sữa xem có màu khác thường hoặc bị vón không sau đó mới vắt sữa vào dụng cụ đựng sữa. Cần vắt sữa vào thời điểm nhất định, đối với bò cao sản nên thực hiện vắt sữa 3 lần/ngày, vắt kiệt sữa để kích thích tiết sữa đồng thời giảm nguy cơ viêm vú. Sau khi vắt sữa: Nhúng đầu vú vào dung dịch thuốc sát trùng như Iodine, Biodine, Revanol. Rửa sạch toàn bộ dụng cụ vắt sữa bằng xà phòng, tráng nước sôi, phơi trên giá.