(Người Chăn Nuôi) – Sáng 02/7, tại Văn phòng Hà Nội, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam (VPA) tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm bằng hình thức họp trực tiếp và trực tuyến.
Hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm
Tại Hội nghị, Chủ tịch VPA Nguyễn Thanh Sơn đã tổng kết những kết quả hoạt động mà VPA triển khai trong 6 tháng đầu năm 2025. Theo đó, VPA đã hoàn thành các thủ tục pháp lý của Hiệp hội sau Đại hội lần thứ V; phát triển hội viên mới; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thành viên; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; khuyến cáo định hướng chiến lược phát triển; công tác đào tạo, tập huấn; hoạt động phản biện xã hội và xây dựng chính sách; Hợp tác quốc tế và hoạt động truyền thông cũng đã được triển khai đồng bộ và có hiệu quả.
Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn (đầu tiên bên phải) chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm của VPA ngày 2/7 vừa qua. Ảnh: Vũ Mưa
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình sản xuất và thị trường ngành gia cầm gặp nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, Hiệp hội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm từng bước hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Cụ thể, VPA, thường xuyên chia sẻ thông tin kịp thời trên các trang website, tạp chí về diễn biến thị trường trong nước và quốc tế tạo điều kiện cho các thành viên Hiệp hội có giải pháp ứng phó; Thăm và làm việc với Hợp tác xã Chăn nuôi Gia cầm Minh Hải và Tập đoàn Mavin để nắm bắt thực trạng thuận lợi và khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt, lắng nghe các đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp.
Đặc biệt, VPA đã vào cuộc kịp thời và xử lý thành công khủng hoảng truyền thông về câu chuyện “trứng gà giả”, qua đó đã góp phần dẹp bỏ các thông tin thất thiệt lan truyền trên các trang mạng xã hội về sản xuất trứng giả, lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng. Đến nay, giá trứng gà đã tăng lên 25 – 30% so với thời điểm khủng hoảng (giá trứng từ 1.200 – 1.300 đã tăng lên 1.800 – 1.900 đồng/quả). Hiện nay, VPA đang chủ chương xây dựng chương trình truyền thông về Đề án “Trứng học đường”.
Ông Nguyễn Quý Khiêm, Tổng Thư ký Hiệp hội báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Vũ Mưa
VPA luôn chú trọng hoạt động khuyến cáo định hướng chiến lược phát triển. Trong nửa năm đầu 2025, VPA đã phối hợp với Cục Chăn nuôi và Thú y – Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Công ty VNU và Công ty TTEC tổ chức thành công Hội nghị Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững. Tại Hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Hiệp hội Gia cầm Việt Nam đã thống nhất một số quan điểm và định hướng chiến lược phát triển gia cầm trong giai đoạn tới. Theo đó, cần thiết phải chuyển đổi tư duy từ sản xuất gia cầm sang phát triển kinh tế gia cầm. Để phát triển bền vững, ngành gia cầm Việt Nam cần một chiến lược quốc gia tổng thể.
Sau hội nghị, các bộ, ngành đã vào cuộc kịp thời rà soát sửa đổi bổ sung một số thể chế, đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành công điện yêu cầu các bộ, ngành và địa phương kiểm soát nghiêm tình trạng nhập lậu sản phẩm gia cầm và chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đổi mới cách tiếp cần trong công tác quản lý nhà nước: chuyển từ quản lý sang phục vụ và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Bà Võ Ngân Giang, Ban Hợp tác quốc tế trình bày Đề án “Chương trình Trứng học đường”. Ảnh: Vũ Mưa
Nhiều việc cần triển khai trong 6 tháng cuối năm
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 cũng được Chủ tịch VPA Nguyễn Thanh Sơn nêu trong dự thảo báo cáo và xin ý kiến thảo luận tại Hội nghị. Những nội dung được các đại biểu quan tâm đóng góp nhiều ý kiến, cụ thể như: Bà Võ Ngân Giang – Ban Hợp tác quốc tế chia sẻ, VPA cần xây dựng quy trình tổ chức sự kiện quốc tế, quy chế chung về đóng góp của các đơn vị tham gia gian hàng, hay những đơn vị muốn kết nối giao thương cần giới thiệu và quảng bá. Đây sẽ là điều kiện tốt để các bên hợp tác cùng phát triển.
Sau khi được nghe Đề án “Chương trình Trứng học đường”, bà Lưu Thị Chỉ – Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm và Trang trại Nông nghiệp Thái Bình (nay là Hưng Yên) nêu rõ, để xúc tiến tiêu thụ trứng nội địa cần thay đổi tư duy cho nhà cung cấp và người tiêu dùng. Mỗi cá nhân, tập thể trong hoạt động này cần quyết tâm vì mục tiêu đẩy mạnh phát triển ngành trứng nước nhà.
Ông Nguyễn Văn Trọng nhất trí cao với các báo cáo và dự thảo 3 quy chế đã được trình bày tại Hội nghị, đồng thời góp ý sửa đổi bổ sung một số điểm của dự thảo Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể. Mặt khác, ông Trọng cũng đề nghị rút kinh nghiệm từ câu truyện “trứng giả” trong thời gian vừa qua, hoạt động truyền thông cần được chú trọng, các hội viên không được phát tán các thông tin thất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành.
Ngoài ra, nhiều đại biểu đã góp ý về Chương trình Trứng học đường, quản lý chất lượng con giống, sản phẩm gia cầm, kiện toàn bộ máy tổ chức, xử lý khủng hoảng truyền thông… PGS.TS. Ngô Thị Kim Cúc nêu quan điểm cần thiết triển khai Chương trình Trứng học đường. Ông Lê Thành Tài đề nghị bộ, ngành quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, nhất là giống nhập khẩu tiểu ngạch. Ông Vũ Anh Tuấn đề nghị Hiệp hội xem xét kiến nghị với Chính phủ xem xét thuế VAT đối với thức ăn chăn nuôi.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của đại biểu, Chủ tịch VPA Nguyễn Thanh Sơn đã kết luận Hội nghị và Ban Thường vụ thông qua các nội dung sau đây: Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025; xây dựng và triển khai Đề án “Chương trình Trứng học đường”; Thống nhất dự thảo Quy chế hoạt động Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; Quy chế quản lý, sử dụng tài chính và tài sản; Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Logo Hiệp hội Gia cầm Việt Nam”; Thống nhất chủ trương bổ nhiệm bà Võ Ngân Giang, Phó Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, giữ chức danh Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển gia cầm; Đồng thuận việc kết nạp một số hội viên cá nhân và tập thể (có danh sách kèm theo).
Chủ tịch VPA giao các Ban chuyên môn căn cứ kế hoạch tổng thể 6 tháng cuối năm của Hiệp hội, khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể của ban mình bảo đảm kịp tiến độ và hiệu quả.
Ban Truyền thông VPA