(Người Chăn Nuôi) – Vịt biển là giống gia cầm bản địa được chọn lọc và lai tạo phù hợp với điều kiện sinh thái vùng ven biển, đầm phá, đồng bằng triều. Chúng có khả năng thích nghi cao, tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt ngon và có giá trị kinh tế vượt trội so với các giống vịt truyền thống.
Chuẩn bị khu vực nuôi và hệ thống chuồng trại
Vị trí lý tưởng là vùng ven biển có bãi triều, ao tự nhiên hoặc hệ thống kênh nước. Cần thiết kế chuồng nuôi trên nền cao, thông thoáng, không tù đọng nước. Nền chuồng có thể lát gạch xi măng hoặc rải cát pha trấu, dốc nhẹ để dễ dọn rửa. Mái che cần cách nhiệt, có thể dùng lá dừa hoặc tôn cách nhiệt. Sân chơi rộng, có khu vực cho vịt tiếp cận nước vào ban ngày. Ao bơi nên nông sâu vừa phải (0,8 – 1,2 m), có đoạn dốc thoải để vịt dễ lên xuống.
Chọn giống
Giống phải có nguồn rõ ràng, ưu tiên vịt biển 15 hoặc các giống đã qua chọn lọc kháng bệnh, sinh trưởng nhanh. Cỡ lứa nên đồng đều để dễ quản lý. Trước khi nhập đàn, nên cho uống nước pha Vitamin C, Glucose để giảm stress vận chuyển. Với trại quy mô lớn, cần cách ly theo dõi 2 – 3 ngày đầu, quan sát phản ứng ăn uống, phân, hô hấp để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh.
Kỹ thuật úm và chăm sóc vịt con (1 – 21 ngày tuổi)
Duy trì nhiệt độ 30 – 320C tuần đầu, giảm dần 2 – 30C mỗi tuần. Dùng bóng điện hồng ngoại, điều chỉnh độ cao để tránh sốc nhiệt. Thức ăn phải dạng viên nhỏ, độ đạm 21 – 22%. Cho ăn thành nhiều bữa, giữ máng luôn sạch. Bổ sung men tiêu hóa, vitamin tổng hợp và nước điện giải vào 7 ngày đầu giúp tăng miễn dịch. Dùng giấy lót nền trong 3 ngày đầu để theo dõi phân và giữ khô chân. Tăng ánh sáng tự nhiên ban ngày sau 10 ngày tuổi để vịt quen với nhịp sinh học.
Giai đoạn hậu bị và vỗ béo (22 – 70 ngày tuổi)
Sau 3 tuần, chuyển sang chế độ bán chăn thả. Cho vịt ra bơi mỗi ngày ít nhất 2 – 3 giờ để kích thích tiêu hóa và phát triển khối cơ. Thức ăn ở giai đoạn này cần cung cấp đầy đủ năng lượng trao đổi (ME 2.800 – 2.900 kcal/kg), đạm giảm còn 18 – 19% và bổ sung khoáng vi lượng, axit amin thiết yếu. Có thể áp dụng kỹ thuật bán ướt (semi-wet feeding): trộn cám với nước sạch theo tỷ lệ 1:1,5, cho ăn 2 lần sáng, chiều. Cách này giúp vịt ăn khỏe, tiêu hóa tốt, tăng nhanh khối lượng. Những ngày nắng nóng cần bổ sung thêm Vitamin C, chất điện giải chống sốc nhiệt.
Quản lý môi trường
Môi trường nước chiếm vai trò sống còn. Ao bơi cần được thay nước thường xuyên, xử lý định kỳ bằng chế phẩm sinh học như EM gốc, vi sinh phân hủy hữu cơ. Không để đáy ao tồn đọng phân, thức ăn thừa. Có thể bố trí thêm bèo, rau muống giúp hấp thụ khí độc, giảm ô nhiễm. Nước quá mặn, phèn hoặc ô nhiễm chất hữu cơ sẽ làm giảm ăn, rối loạn tiêu hóa, dễ gây chết rải rác. Mỗi tuần nên kiểm tra màu nước, mùi và độ trong.
Lưu ý quan trọng: Vịt biển thích hợp ở vùng có độ mặn ≤15‰. Nuôi ở nơi nước quá mặn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa, tăng trưởng và tỷ lệ sống. Tuy chịu được điều kiện khắc nghiệt hơn vịt cỏ nhưng vẫn cần môi trường sạch, khẩu phần ăn giàu năng lượng và kỹ thuật chăm sóc đúng giai đoạn. Tập cho vịt bơi vận động sớm là yếu tố then chốt giúp phát triển cơ, tăng độ săn chắc thịt và giảm tích mỡ.
Chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh
Vịt biển vẫn có nguy cơ nhiễm các bệnh truyền nhiễm như tụ huyết trùng, dịch tả, cúm gia cầm. Tiêm phòng đúng lịch là yếu tố sống còn:
- Dịch tả lần 1 lúc 7 ngày tuổi, nhắc lại sau 21 ngày
- Cúm H5N1 tiêm khi 21 ngày tuổi
- Tụ huyết trùng tiêm lúc 15 và 45 ngày.
Ngoài ra, cần tẩy giun sán định kỳ bằng Albendazole hoặc Levamisole mỗi tháng/lần. Khi thấy vịt có biểu hiện giảm ăn, ủ rũ, phân lỏng cần cách ly ngay, dùng kháng sinh phổ rộng kết hợp men sống và vitamin để hồi phục.
Thu hoạch và tiêu thụ
Sau 65 – 75 ngày, vịt đạt trọng lượng từ 2,8 – 3,5 kg/con tùy giống và phương pháp nuôi. Dừng cho ăn 12 – 24h trước khi xuất bán để làm sạch ruột. Có thể tiêu thụ tại chợ truyền thống, thương lái thu gom hoặc liên kết chuỗi sơ chế xuất khẩu.
Hoàng Yến