Thông tin ‘trứng giả’ ảnh hưởng người chăn nuôi thật

Trước thông tin trứng giả bịa đặt, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Tiêu thụ Gà đồi Ba Vì cho biết, đang phải tự bảo vệ mình để ít bị ảnh hưởng nhất.

Trứng giả là thông tin bịa đặt

Trước thông tin trứng giả, trứng hai lòng đang rộ trên mạng xã hội, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Tiêu thụ Gà đồi Ba Vì, ở xã Thụy An vô cùng bất ngờ.

htx Ba Vì

Chị Dương Thị Khơi thu nhặt trứng gà đẻ tại nông hộ của gia đình. Ảnh: Kiên Trung.

“Chúng tôi cũng đã xem một số clip, hình ảnh nói về công nghệ làm trứng gia cầm công nghiệp, trong đó có cả trứng 2 lòng đỏ. Nói thực, là người nông dân nên chúng tôi không biết nó như thế nào, công nghệ đó ở đâu và có thật hay không”, ông Tài chia sẻ. Tuy nhiên, ông Tài khẳng định, những hình ảnh không được kiểm chứng nói trên đã tác động tiêu cực đối với người chăn nuôi.

“Bất kỳ thông tin về sản phẩm nào được làm giả, làm công nghiệp… đều tác động tới tâm lý người tiêu dùng, khiến họ e dè và hạn chế sử dụng sản phẩm đó, từ đó khiến người sản xuất thật khó bán, chậm tiêu thụ hàng hóa và giá thành theo đó cũng giảm theo. Như thông tin sữa giả, người dân sẽ hạn chế dùng sản phẩm sữa mà chuyển sang sử dụng một sản phẩm khác để thay thế”, Giám đốc HTX Gà đồi Ba Vì phân tích.

Tuy nhiên, ông Tài khẳng định, công nghệ, dây chuyền ở đâu, như thế nào chúng tôi không biết, nhưng tại xã Thụy An, Cẩm Lĩnh,thủ phủ gà đồi Ba Vì nổi tiếng, hàng chục năm nay là vùng chăn nuôi gà sạch, gà an toàn sinh học và gà thương phẩm, trứng gà sạch nổi tiếng của Thủ đô.

htx Ba Vì

Chị Dương Thị Khơi (thôn Đông Cao, xã Thụy An) thu lượm trứng gà đẻ trong chuồng nuôi gia đình. Ảnh: Kiên Trung.

“Không hộ chăn nuôi nào lại bán rẻ thương hiệu của mình để phá hoại sản xuất như vậy cả. Các hộ chăn nuôi cũng rất bất ngờ về những hình ảnh máy móc làm ra trứng. Nếu có thật đúng là tài tình, mục đích của họ làm “trứng giả” để làm gì, chúng tôi cũng rất hoang mang”.

Thủ phủ gà đồi Ba Vì tại xã Thụy An hiện có 15 hộ chăn nuôi quy mô lớn, số lượng từ vài ngàn cho tới vài vạn con/hộ. Quy mô lớn nhất là hộ anh Ngô Trọng Hiển. Anh Hiển cũng là nông dân tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân Hà Nội.

Trang trại gà đồi của vợ chồng anh Hiển có diện tích 3 ha, với hệ thống chuồng trại khép kín, vệ sinh, có sân vườn ngoài trời rộng cả ngàn mét cho gà chạy nhảy. Giai đoạn hoàng kim, có năm anh Hiển nuôi trên 1 vạn con gà đẻ, 2 vạn gà thịt, 60 vạn gà giống, doanh thu đạt 10 tỷ đồng.

htx Ba Vì

Thông tin thất thiệt trứng giả, trừng hai lòng công nghiệp, các hộ nuôi gà lấy trứng đang bị ảnh hưởng về giá cả. Ảnh: Kiên Trung.

Cuối năm 2024 vừa qua, giá gà thương phẩm giảm dù cận Tết nguyên đán, các hộ chăn nuôi đều thua lỗ, người nuôi nhiều mất nhiều, nuôi ít mất ít. Nhiều hộ để không chuồng trại. Thêm “cơn bão” trứng gà giả, người chăn nuôi lại thêm một lần ảnh hưởng, khó khăn chồng chất khó khăn.

“Gà nuôi lấy trứng dài ngày hơn gà thương phẩm. Tới tháng thứ 5, gà bắt đầu đẻ bói, sang tháng thứ 6 đẻ so, từ tháng thứ 7 trở đi gà đẻ ổn định, đều đặn theo ngày. Theo công thức FCR (tỷ lệ chuyển đổi thức ăn), khoảng 4 kg thức ăn đạt 1 kg thịt hơi. Tính theo giá trị, 1kg trọng lượng tương đương với 70 – 80 ngàn đồng tiền thức ăn. Do đó, nếu giá thịt hơi hay giá trứng giảm, người chăn nuôi sẽ thua lỗ”, anh Hiển phân tích.

Tương tự, hộ gia đình chị Dương Thị Khơi có 2.000 gà ri nuôi lấy trứng, mỗi ngày cho thu trên dưới 1.000 trứng. Ngoài trại nuôi lợp mái fibro xi măng, bên dưới nền lót trấu hoặc cát, gà đến giờ sẽ tự động vào đó đẻ trứng, chị Khơi sẽ nhặt 2 lần/ngày. Thời kỳ cao điểm, trứng ga ri chị Khơi bán từ 2.000 – 2.500 đồng/quả. Thời điểm hiện tại, giá trứng giảm, bán tại nhà chỉ 1,5 ngàn đồng/quá.

“Giá trứng thấp nên không đủ tiền mua thức ăn, nhưng vẫn phải cố gắng giữ đàn. Tôi vừa thanh lý một số gà đẻ, giảm đàn để đỡ áp lực chi phí”, chị Khơi cho hay.

Người chăn nuôi tự bảo vệ mình

Trước những thông tin “trứng giả, trứng 2 lòng công nghiệp”, Giám đốc HTX Gà đồi Ba Vì Nguyễn Văn Tài khẳng định, các hộ chăn nuôi cần phải biết tự bảo vệ mình trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, kiểm chứng những thông tin thất thiệt nêu trên.

“Người chăn nuôi trước hết phải bình tĩnh, có phương án tự bảo vệ mình. Trước tiên, cần so sánh, khuyến cáo cho người tiêu dùng cách thức nhận biết trứng thật – trứng giả khác nhau như thế nào, giải thích tại sao có trứng hai lòng và tỷ lệ trứng hai lòng xác xuất xuất hiện bao nhiêu %, chứ không thể muốn bao nhiêu trứng 2 lòng đỏ đều có.

Cũng giống như câu chuyện lòng xe điếu đang rất nhiều người quan tâm, nếu quảng bá muốn có bao nhiêu trứng hai lòng cùng có, rõ ràng người mua cần đặt câu hỏi nghi ngờ”, anh Tài nói.

Trong các phương án hộ chăn nuôi phải biết tự bảo vệ mình, ngoài việc đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…, hộ chăn nuôi cũng cần nhanh nhạy, tìm hiểu để sử dụng lợi thế của các nền tảng mạng xã hội, cập nhật quy trình chăn nuôi, các công đoạn thu hoạch trứng… để người mua được chứng kiến.

“Có thể Livestream hoạt động chăn nuôi tại trang trại, quá trình đi thu nhặt trứng sau khi gà đẻ… từ đó bán hàng trực tiếp qua mạng xã hội. Khi mình trực tiếp bán hàng, mình sẽ có trách nhiệm đối với sản phẩm của mình. Còn trứng của mình đã bán ra ngoài chợ, đưa ra ngoài sạp, ngoài kệ… không có ai đứng ra bảo lãnh cho mình được, vì không truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm”, Giám đốc HTX gà đồi Ba Vì cho hay.

htx Ba Vì

Trại gà giống của “vua gà đồi Ba Vì” Ngô Trọng Hiển.

Được thành lập từ năm 2019, HTX Chăn nuôi và Tiêu thụ Gà đồi Ba Vì hiện có 15 xã viên thuộc hai xã Cẩm Lĩnh và Thụy An (huyện Ba Vì), các hộ chăn nuôi, ấp nở và tiêu thụ sản phẩm gà thịt trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Ba Vì cũng thành lập “Hội Gà đồi” kết nối các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện tạo thành chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm gà thương phẩm, trứng gà.

Năm 2017, thương hiệu “Gà đồi Ba Vì” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Ba Vì”. Với nhãn hiệu này, gà đồi Ba Vì có thêm những điều kiện thuận lợi để phát triển thương hiệu, đồng thời cũng là cơ hội để người dân địa phương nâng cao giá trị hàng hóa và thu nhập.

“HTX được UBND xã Thụy An cho mượn hạ tầng là trường mầm non cũ tại thôn Đông Cao để làm trụ sở hoạt động. Chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch tiêu thụ sản phẩm gà đồi của các hội viên, trực tiếp đi bán hàng, phân phối sản phẩm chứ không bán hàng cho các kênh trung gian. Điều này giúp chúng tôi kiểm soát được đầu ra của gà đồi Ba Vì, từ đó bảo vệ được thương hiệu của mình”.

Tổng đàn gà của HTX là 150.000 con/năm các hộ nuôi quy mô lớn có từ 30.000 đến 70.000 con trên năm, các hộ nuôi quy mô nhỏ có từ 2000 đến 5.000 con trên năm.

“Giai đoạn đầu, HTX mới tiêu thụ gà với số lượng hạn chế. Bình quân năm 2023, mỗi ngày chỉ tiêu thụ được từ 20 – 30 con gà qua giết mổ và 40 – 50 con gà lông, quy trình giết mổ còn thủ công. 10 tháng đầu năm 2024 HTX sản xuất đạt khoảng 200.000 gà thịt với sản lượng 400 tấn.

Chúng tôi đặt mục tiêu mỗi ngày tiêu thụ từ 300 – 500 con gà, tương đương sản lượng khoảng 600 – 800 kg gà qua giết mổ đóng gói, hút chân không dán tem truy xuất đến điểm giao hàng của bên mua. Cùng với thịt gà, trứng gà cũng sẽ được HTX phân phối để vừa bảo vệ, hỗ trợ xã viên, vừa bảo vệ thương hiệu gà đồi trước những “cơn bão” thông tin như trứng giả, trừng hai lòng công nghiệp”, Giám đốc HTX Gà đồi Ba Vì Nguyễn Văn Tài chia sẻ.

Nguồn: Báo Nông nghiệp và Môi trường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *