Thưa quý bạn đọc!
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y, tiêu thụ thịt heo của Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2021 khoảng 30 kg/người/năm, năm 2022 khoảng 32 kg/người/năm, năm 2023 khoảng 33,8 kg/người/năm. Đặc biệt, năm 2024 ước đạt 37,04 kg/người/năm, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 4 thế giới về tiêu thụ thịt heo.
Mặc dù có nhiều triển vọng sáng, nhưng các chuyên gia nhận định rằng, năm 2025 sẽ là năm có nhiều biến động bất lợi đối với ngành chăn nuôi heo toàn cầu trong đó có Việt Nam như: Sự tăng giảm sản lượng không đều tại các quốc gia, sự biến động khó lường của giá thức ăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, xu hướng thay thế thịt heo bằng các loại thịt khác có lợi cho sức khỏe ngày càng phát triển. Nhất là khi những thay đổi trong thuế quan của Mỹ được Tổng thống Donald Trump đưa ra sẽ tác động không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi.
Trong bối cảnh đó, ngành chăn nuôi heo tại nước ta đã thay đổi cách thức tiếp cận, chuyển dịch nhanh từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học và giảm phát thải. Đây cũng là “chìa khóa” giúp ngành chăn nuôi heo mở rộng thị phần và phát triển bền vững hơn.
Để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về vấn đề này, Đặc san Người Chăn nuôi phát hành số tháng 4 này đã dành nhiều thời lượng cung cấp đến bạn đọc bức tranh của ngành chăn nuôi heo, cũng như những chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp để tìm giải pháp cho ngành hàng này phát huy được nội lực.
Một thông tin khá khả quan cho hoạt động chăn nuôi những tháng đầu năm, đó là Cơ quan Quản lý thực phẩm Singapore (SFA) đã có văn bản chính thức chấp thuận mở cửa thị trường nhập khẩu một số loại sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam. Các sản phẩm được chấp thuận bao gồm thịt gia cầm đã qua chế biến nhiệt, trứng gia cầm và thịt (không bao gồm thịt bò) đóng hộp/tiệt trùng ở nhiệt độ cao và áp suất cao theo khuyến nghị của Cục Chăn nuôi và Thú y. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, thành công này là tiền đề quan trọng không chỉ đối với các doanh nghiệp được cấp phép lần này mà còn là bước đệm để các doanh nghiệp khác có thể thâm nhập thị trường Singapore. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc kiểm soát, duy trì chất lượng, sản lượng ổn định để giữ vững chỗ đứng trên thị trường nhiều đối thủ cạnh tranh.
Trong chăn nuôi heo, yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất cũng như chất lượng sản phẩm. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người nuôi về chiến lược tăng cường và củng cố nguồn thức ăn cho đàn heo. Đây cũng là nội dung được rất nhiều hộ nuôi quan tâm, theo dõi.
Như thường lệ, trên số báo phát hành kỳ này, Đặc san Người Chăn nuôi cũng cập nhật diễn biến tình hình chăn nuôi trong nước, quốc tế cùng các mô hình chăn nuôi tân tiến… Mời quý độc giả đón đọc.
Mời quý độc giả đón đọc.
Để đặt mua báo. Xin liên hệ:
Phát hành – đặt mua các ấn phẩm:
Ngọc Ánh: 0963 555 554
Email: phathanhtggc@gmail.com
Giá bán Tạp chí Người chăn nuôi bản giấy là: 30.000 VNĐ/cuốn
Trân trọng!
BAN BIÊN TẬP