Lựa chọn
Mục tiêu chăn nuôi: Để chọn được loại chất độn chuồng nào phù hợp với trang trại chăn nuôi gà, cần căn cứ vào đặc điểm riêng của từng trại cũng như mục tiêu chăn nuôi của chủ trại, ví dụ như việc hỗ trợ sự phát triển của đường ruột. Các vật liệu thô cứng như vỏ bào gỗ đã được chứng minh là giúp cải thiện sự phát triển của dạ dày cơ và tăng hiệu quả chuyển đổi thức ăn tốt hơn (mà không ảnh hưởng đến lượng thức ăn ăn vào và cân nặng của gà) so với các loại vật liệu khác.
Quy mô chăn nuôi: Đối với quy mô chăn nuôi nhỏ, có thể sử dụng chất độn chuồng tự nhiên. Ngược lại, quy mô chăn nuôi lớn, cần sử dụng chất độn chuồng nhân tạo để đảm bảo vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Điều kiện khí hậu: Những vùng có khí hậu lạnh, cần sử dụng chất độn chuồng có khả năng giữ nhiệt tốt để giúp vật nuôi không bị lạnh.
Giống gà: Với những giống gà có sức đề kháng kém nếu lớp chất độn chuồng quá nhiều bụi sẽ làm cho gà dễ mắc các bệnh đường hô hấp.
Chọn chất độn chuồng phụ thuộc đặc điểm riêng của từng trại cũng như mục tiêu chăn nuôi của chủ trại. Ảnh: ST
Quản lý
Ở nước ta chất độn chuồng thường dùng là phoi bào hoặc trấu. Một số gia đình đã dùng rơm rạ, cỏ tranh, cói khô băm nhỏ (1 – 2 cm) để thay cho phoi bào hoặc trấu.
Nên sử dụng chất độn chuồng có khả năng hút nước tốt. Chất độn tốt nhất là phoi bào, nhưng không nên dùng phoi bào gỗ lim vì phoi bào gỗ lim khi tiếp xúc với phân gà tạo ra khí độc, không có lợi cho gà. Các chất độn khác như rơm rạ, trấu, lá cây, cỏ tranh, cói khô khả năng hút nước kém và dễ bị nấm mốc, nếu dùng phải thay thường xuyên gây tốn kém.
Chất độn chuồng dùng nhiều hay ít phụ thuộc vào nền chuồng, thời tiết, số đầu gà, mức độ thông thoáng, quá trình chăm sóc nuôi dưỡng và thời gian nuôi. Thông thường phoi bào có thể đổ dày 15 – 20 cm và gà nuôi trên lớp phoi bào này cho đến 45 – 50 ngày tuổi và không cần phải thay hoặc chỉ cần thay tại những nơi máng uống nước chảy ra đẫm ướt. Nếu lớp phoi bào dày chỉ được 8 – 10 cm thì sau 3- 4 tuần phải thay lớp khác.
Vào mùa Đông khí hậu khô ráo có thể kéo dài thời gian sử dụng lớp độn chuồng thêm 1 – 2 tuần. Nhưng vào mùa mưa phùn, độ ẩm cao nền chuồng không thoát khỏi hơi nước thì thời gian sử dụng chất độn chuồng lại giảm đi 1 – 2 tuần. Tóm lại, khi thấy chất độn chuồng bị ướt phải thay ngay. Gà không ưa ẩm ướt, thích khô ráo, do đó thay chất độn chuồng vào lúc nào là tùy tình hình cụ thể của chuồng nuôi, miễn sao chuồng và nền chuồng gà luôn luôn phải khô.
Các chất độn chuồng trước khi đưa vào sử dụng phải được phơi thật khô, phun thuốc khử trùng. Phun 1 – 2 lít Formol 1%/100 – 150 kg chất độn chuồng, phun đi, phun lại cho thật đều, rồi lại phơi khô, cho vào bao tải để nơi khô ráo. Hoặc cũng có thể đưa thẳng vào chuồng nuôi nếu chuồng đã được làm vệ sinh cơ học sạch sẽ và phun thuốc khử trùng ít nhất là 2 lần.
Nam Cường