(Người Chăn Nuôi) – Sáng 17/4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp với Cục Chăn nuôi và Thú y, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, một số doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm,… nhằm tìm giải pháp gỡ khó cho ngành chăn nuôi gia cầm trong bối cảnh hiện nay.
Các đại biểu tham dự cuộc họp sáng 17/4.
Báo cáo về tình hình sản xuất gia cầm thời gian qua, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng cho biết, sản xuất gia cầm quý I/2025 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Tổng đàn gia cầm tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm 2024, riêng đàn gà tăng 3,5%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng trong quý I/2025 ước đạt 624.400 tấn, tăng 4,7% so với quý I/2024; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 5,2 tỷ quả, tăng 3,2%. Mức tăng này chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và trứng gia cầm trong nước ổn định. Giá trứng gia cầm duy trì ở mức khá, giúp người chăn nuôi yên tâm tái đàn. Bên cạnh đó, nhờ việc áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và liên kết chuỗi với các doanh nghiệp lớn, nhiều trang trại gia cầm quy mô lớn tiếp tục mở rộng sản xuất.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng báo cáo tình hình chăn nuôi gia cầm các tháng đầu năm 2025.
Mặc dù vậy, ông Thắng nhận định, hiện nay chăn nuôi gia cầm gặp không ít khó khăn, thách thức khi “cung vượt cầu”. Một số giai đoạn giá gia cầm giảm, tình trạng giết mổ gia cầm quy mô nhỏ lẻ vẫn còn nhiều, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh thông qua việc vận chuyển nhập lậu. Ông Thắng cho rằng, để giải bài toán này, ngành chăn nuôi gia cầm cần học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nước trong kiểm soát chất lượng con giống, đẩy mạnh chế biến sâu, tiếp cận đa dạng thị trường,…
Đại diện Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Chủ tịch Hội Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ, thời gian quan, nhiều doanh nghiệp ngành hàng gia cầm gặp khó khăn, đặc biệt từ năm 2021 đến nay, tăng trưởng của ngành này rất phập phù. Ông Sơn phân tích nguyên nhân khiến giá bán của thị trường thấp là do sản lượng thịt, trứng gia cầm dư thừa. Đáng chú ý, từ năm 2024 đến nay, một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không bán được sản phẩm nên đổ xô vào chăn nuôi gia cầm hoặc thuê chuồng chăn nuôi để thu hồi vốn. Động thái này đã đẩy sản lượng gia cầm, đặc biệt là gà lông màu tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó, người chăn nuôi, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sản xuất cầm cự, chủ yếu duy trì ở quy mô vừa.
Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn lý giải nguyên nhân ngành gia cầm tăng trưởng “phập phù”.
Ông Sơn cũng nêu thêm lý do nữa là do lượng nhập khẩu lớn, đặc biệt gần đây có tình trạng nhập lậu gà đẻ loại, kể cả nhập lậu trứng vịt giống từ Trung Quốc đã làm rối loạn thị trường trong nước. Theo ông Sơn, từ sau dịch COVID-19, sức tiêu thụ giảm, nguồn cung tăng, dẫn đến giảm giá thành.
“Bức tranh ngành hàng gia cầm nhiều màu xám hơn là sáng. Doanh nghiệp đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng như các Hiệp hội cần thống nhất việc nhìn nhận thực trạng của ngành hàng chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng. Chỉ như vậy chúng ta mới có giải pháp ứng phó một cách phù hợp”, ông Sơn kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, lo ngại nếu không kiểm soát chặt nhập khẩu tiểu ngạch sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung gia cầm trong nước. Đối với vấn đề này, ông Trọng đề xuất cần có giải pháp thiết lập hàng rào kỹ thuật kịp thời. Bên cạnh đó, cần chú trọng nguồn giống gia cầm bản địa chất lượng cao và trọng điểm, chủ yếu là gà ri và gà Mía. Đồng thời, cần liên kết các doanh nghiệp sản xuất giống, tránh tình trạng dư thừa, chồng chéo.
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng rà soát lại định hướng phát triển gia cầm. Thiết kế các chuỗi liên kết một cách hợp lý. Theo ông Dương, giống gà hiện nay vẫn còn thả nổi mà chưa có con chủ lực, cần tăng cường các trung tâm hệ thống ấp nở, hỗ trợ hoạt động xúc tiến xuất khẩu,…
Chủ trì cuộc họp, sau khi nghe báo cáo và kiến nghị từ các đơn vị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần sớm tổ chức hội nghị tập trung chế biến, xuất khẩu gia cầm với sự tham gia của đơn vị quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển ngành hàng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, cần sớm tổ chức hội nghị phát triển ngành hàng gia cầm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Bộ Công Thương trên cơ sở phân tích diễn biến của thị trường cần kịp thời đưa ra dự báo tới người nuôi và doanh nghiệp để có định hướng sản xuất phù hợp. Cùng với đó, cần rà soát lại khối lượng nhập khẩu và xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu ở một số khu vực.
“Với tinh thần hết sức khẩn trương, tôi đề nghị ngành chăn nuôi rà soát lại cơ chế chính sách giết mổ, chế biến, xuất khẩu,… Tiếp tục phát triển khoa học công nghệ trong phòng bệnh, chọn tạo con giống. Ngoài ra, cần xem xét tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng, đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt các thị trường tiềm năng như Halal”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.
Thùy Khánh
Bài và ảnh