(Người Chăn Nuôi) – Tại Hội thảo bên lề Tuần lễ Khoa học CGIAR 2025 diễn ra tại Nairobi, Kenya, các chuyên gia đã nhấn mạnh cách tiếp cận Một sức khỏe là giải pháp chiến lược nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu về an ninh lương thực, sức khỏe và môi trường.
Trước các vấn đề toàn cầu đang phải đối mặt như biến đổi khí hậu, suy thoái đất, mất an ninh lương thực,… lần đầu tiên Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp và Chăn nuôi Kenya tổ chức Tuần lễ Khoa học CGIAR diễn ra từ ngày 7 – 12/5 tại Kenya.
Sự kiện quy tụ các nhà khoa học hàng đầu thế giới cùng những nhà hoạch định chính sách trong các lĩnh vực nông nghiệp, khí hậu và y tế, đánh dấu một thời khắc quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hành động và thiết lập các mối quan hệ hợp tác chiến lược, hướng đến việc huy động đầu tư cho các hệ thống lương thực bền vững vì con người và hành tinh.
Các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trên thế giới trao đổi tại sự kiện về Một sức khỏe bên lề Tuần lễ Khoa học CGIAR 2025. Ảnh: ILRI
Tại Hội thảo bên lề diễn ra tại Nairobi, Kenya, ông Nguyễn Việt Hùng, lãnh đạo Chương trình Sức khỏe của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) khẳng định: “Một sức khỏe đã trở thành điều kiện tiên quyết để giải quyết những thách thức ngày càng phức tạp của hệ thống y tế và thực phẩm”.
Dưới góc độ y tế và an toàn thực phẩm, ông Hùng cho biết, CGIAR đã và đang đồng hành với nhiều quốc gia đang phát triển trong việc giảm thiểu nguy cơ bệnh truyền lây từ động vật sang người và đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các chợ truyền thống và hệ thống phi chính thức. Trong đó, các mô hình giám sát bệnh tích hợp và phòng thí nghiệm cộng đồng đang triển khai tại Kenya và Việt Nam đã chứng minh hiệu quả, từ xác định điểm nóng dịch bệnh đến triển khai can thiệp đúng mục tiêu.
Tham dự sự kiện, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam trong việc áp dụng cách tiếp cận Một sức khỏe.
Ông Đào Thế Anh nhấn mạnh: “Một sức khỏe là sự phối hợp đa ngành, và tại Việt Nam, bên cạnh việc huy động các nguồn lực quốc tế, chúng tôi cũng huy động các nguồn lực trong nước thông qua việc thành lập Đối tác Một sức khỏe Việt Nam (OHP) – diễn đàn quy tụ các đối tác từ nhiều khu vực nhà nước, tư nhân, quốc tế, các viện nghiên cứu”.
Với mục tiêu ban đầu là kiểm soát các bệnh truyền lây từ động vật sang người trong đại dịch COVID-19, diễn đàn Một sức khỏe hiện đã mở rộng các lĩnh vực hoạt động để đóng góp cho mục tiêu chuyển đổi hệ thống thực phẩm quốc gia thông qua tiếp cận nông nghiệp sinh thái, lồng ghép thêm các mục tiêu cải thiện sức khỏe cây trồng, đất, nước… và kiểm soát sử dụng phân bón và kháng sinh trong cả trồng trọt và chăn nuôi.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, vấn đề an ninh lương thực, đặc biệt là nguồn cung thực phẩm giàu dinh dưỡng từ chăn nuôi và thủy sản, đang trở thành thách thức cấp thiết tại nhiều quốc gia.
Từ thực tế đó, ông Jacobo Arango, Trưởng nhóm Khí hậu và Môi trường của CGIAR, đề xuất giải pháp đột phá thông qua ứng dụng các loại cây phục vụ cho việc chế biến thành nguồn thức ăn chăn nuôi nhiệt đới. Đây là nhóm cây cỏ và họ đậu có bộ rễ ăn sâu, không chỉ giúp giữ lại carbon hiệu quả trong đất nhờ quá trình quang hợp, mà còn góp phần giảm khí thải methane và nitrous oxide – hai loại khí nhà kính sinh ra từ hệ tiêu hóa của vật nuôi và hoạt động của vi sinh vật trong đất.
Không chỉ vậy, các loại cây thức ăn này còn góp phần cải thiện năng suất của vật nuôi và phục hồi các vùng đất bị thoái hóa. Riêng tại Mỹ Latinh đã có hơn 200 triệu ha trồng các loại cây này. “Đây là một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận hài hòa giữa bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi”, ông Jacobo Arango nhấn mạnh.
Thùy Khánh
(Tổng hợp)