Chứng nhận hợp quy chỉ thực hiện với hàng hóa rủi ro cao

(Người Chăn Nuôi) – Sáng 04/4 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có buổi làm việc với 9 Hội, Hiệp hội ngành hàng để trao đổi, làm rõ và giải quyết các kiến nghị gửi Tổng Bí thư Tô Lâm về hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì.

9 Hội, Hiệp hội ngành hàng

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có buổi làm việc với 9 Hội, Hiệp hội ngành hàng về các vấn đề liên quan đến Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ảnh: Vũ Mưa

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, cuộc họp lần này khẳng định tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với các hiệp hội ngành hàng trong ngành nông nghiệp. Việc này không chỉ giúp các cơ quan nhà nước hiểu rõ hơn về khó khăn của doanh nghiệp mà còn giúp các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đóng góp những ý tưởng sáng tạo để hoàn thiện hệ thống pháp lý cũng như quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nhờ đó, hai bên linh hoạt hơn trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng.

9 Hội, Hiệp hội ngành hàng

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, cuộc họp lần này khẳng định tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với các hiệp hội ngành hàng trong ngành nông nghiệp. Ảnh: Vũ Mưa

Tại buổi họp, các đại biểu tập trung thảo luận và trao đổi về ba vấn đề lớn, góp ý, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm; các nội dung cụ thể trong công tác quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là việc công bố hướng dẫn và quy trình liên quan đến chất lượng; xác định danh mục các nhóm hàng hóa, đặc biệt là nhóm 2, những mặt hàng có yêu cầu nghiêm ngặt về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Nhiều thủ tục chồng chéo

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, bất cập chính của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa là ở cách thức tiếp cận về phương thức quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm hàng hóa vẫn thiên về tiền kiểm, đưa ra quá nhiều thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Các quy định chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và các hiệp hội ngành hàng với pháp luật và người tiêu dùng về chất lượng và an toàn sản phẩm của họ làm ra; chưa phù hợp với trình độ của khoa học công nghệ và thông lệ quốc tế hiện nay, là quản lý theo hệ thống, kiểm soát rủi ro, phân tích mối nguy và thừa nhận lẫn nhau…

Trong số đó, đặc biệt là việc quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa, đang là căn nguyên gây áp lực, phiền hà rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong nước.

Đại diện Hội Thú y Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, hiện nay, các nhà máy sản xuất và bảo quản thuốc thú y được đầu tư theo tiêu chuẩn GMP rất hiện đại và sản phẩm được kiểm soát chất lượng hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, nếu làm theo hợp quy nữa, tức là thuốc thú y có thêm một cái “giấy phép con” thì cũng mất rất nhiều chi phí. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ phải tăng giá thành sản phẩm và người nông dân, người chăn nuôi lại phải chịu.

9 Hội, Hiệp hội ngành hàng

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, chia sẻ tại cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường với 9 Hội, Hiệp hội ngành hàng. Ảnh: Vũ Mưa

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho rằng, với kiến nghị của 9 Hội, Hiệp hội ngành hàng về Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, hy vọng các Bộ, ngành sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ vừa thông báo áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại. Trong khi Việt Nam áp thuế nhập khẩu đùi gà với các nước từ 20% giảm xuống 15%, thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam sẽ là thách thức đối với thịt gà sản xuất trong nước. Khi chăn nuôi trong nước thua lỗ, giá giảm, người chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất không tiết giảm chi phí, giảm giá thành thì khó có thể cạnh tranh. Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng đề nghị, cần có hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước, đặc biệt là ngành chăn nuôi, chẳng hạn như giữ các quy định kiểm soát Salmonella và E.coli… với sản phẩm nhập khẩu.

Theo ông Bạch Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thú y Xanh Việt Nam (Greenvet),

Còn ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng Giám đốc cấp cao Công ty CP C.P. Việt Nam cho rằng, chi phí đăng ký thủ tục hợp quy cho chăn nuôi rất lớn, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi, chưa kể chi phí về thời gian nguyên liệu nhập khẩu phải chờ kết quả, chỉ tính lãi suất ngân hàng chưa tính lưu kho đã rất tốn kém. Vì vậy, chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước bị đội lên, trong khi sản phẩm nhập khẩu lại không bị ảnh hưởng gì.

Cần điều chỉnh bổ, sung quy định về hợp quy

Sau khi nghe ý kiến của các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn của Bộ, kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho hay, quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa hiện nay là không hợp lý. Do đó cần điều chỉnh bổ sung quy định này và chỉ công bố hợp quy với sản phẩm có rủi ro cao.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn rất nhiều. Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập với thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong top đầu thế giới nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được hội nhập. Khi xuất khẩu không theo kịp thế giới thì vô tình tạo ra rào cản cho sản phẩm của chính mình và sản phẩm các nước vào Việt Nam. Khi vào “sân chơi” thế giới thì cần theo chuẩn mực thế giới.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật của từng lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu cũng như xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm sản phẩm mới, chủ lực.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục rà soát, loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện có như: hủy bỏ quy chuẩn không phù hợp. Đồng thời, tiếp tục bổ sung xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ quản lý sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và theo yêu cầu.

9 Hội, Hiệp hội ngành hàng

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chụp ảnh lưu niệm cùng các đại diện 9 Hội, Hiệp hội. Ảnh: Vũ Mưa

Phân loại hàng hóa để quản lý

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho rằng, hiện nay, đối với các sản phẩm hàng hóa nói chung và các sản phẩm hàng hóa về lương thực, thực phẩm thì thống nhất thấy rằng các quy định hiện hành đang có một số nội dung chồng chéo, không theo thông lệ quốc tế. Cho nên quy định về quản lý chất lượng trong các luật gốc và luật chuyên ngành phải hướng theo tinh thần hội nhập, theo thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, trong quản lý nhà nước nói chung và quản lý chất lượng an toàn sản phẩm hàng hóa nói riêng theo tinh thần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” hoặc kết hợp giữa “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Đối với quản lý chất lượng, an toàn hàng hóa trước hết phải đảm bảo tốt quy trình tạo ra sản phẩm. Sau đó, kiểm soát các yếu tố đầu “vào – ra” để đảm bảo chất lượng, an toàn. Như vậy, chúng ta phải kết hợp giữa quy trình với đăng ký lưu hành.

Bộ trưởng gợi mở, kiểm soát, phân loại sản phẩm hàng hóa nhóm 2 nên tiếp cận theo hướng phân loại theo cấp độ rủi ro về chất lượng, an toàn. Trong, đó phân định ra 3 nhóm: nhóm rủi ro cao, nhóm rủi ro trung bình và rủi ro thấp.

Cũng theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, thống nhất kiến nghị, chứng nhận hợp quy chỉ tập trung vào hàng hóa rủi ro cao. Để phân biệt, trong Luật nên chỉ đưa ra các quy định khung, còn các tiêu chí nên để Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quy định; danh mục cụ thể sẽ giao cho các Bộ.

>> Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy: “Việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành hàng và nền kinh tế. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm hiệu quả, bền vững, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.

Vũ Mưa – Kim Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *