Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không khí mua bán tại chợ gia cầm Hà Vĩ, xã Lê Lợi (huyện Thường Tín) nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Do công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát nguồn gốc gia cầm về chợ được chú trọng, nên nhiều năm nay ở chợ không xảy ra dịch cúm gia cầm…
Thời điểm tiêu thụ lớn nhất trong năm
Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chợ Hà Vĩ nhộn nhịp hơn so với ngày thường. Nguồn hàng phục vụ Tết năm nay dồi dào, giá ổn định như năm trước.
Chợ gia cầm Hà Vĩ vào mùa tiêu thụ lớn nhất năm. Ảnh: Hương Giang
Bà Lê Thị Yến, tiểu thương tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ cho hay, trung bình mỗi ngày cửa hàng của bà bán khoảng 5-7 tạ gà, nhưng vào những ngày cận Tết số lượng tiêu thụ có thể tăng gấp đôi. Để có nguồn hàng cho thị trường, hằng ngày bà phải dậy sớm đến trang trại chăn nuôi ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương… thu gom, đưa về chợ Hà Vĩ tiêu thụ. Năm nay, giá gà cũng từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg. Còn theo bà Nguyễn Thị Vương có thâm niên kinh doanh gia cầm tại chợ hơn 20 năm chia sẻ biết, chợ bắt đầu nhộn nhịp, sôi động từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp, các ki ốt tiêu thụ lượng gà tăng gấp đôi so với ngày thường.
Người dân phun thuốc khử khuẩn ở khu vực buôn bán gia cầm. Ảnh: Cấn Minh
Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lơi, kiêm Trưởng ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vĩ Lương Thanh Bình cho biết, chợ Hà Vĩ có 162 ki ốt kinh doanh gia cầm. Ngày thường, chợ tiêu thụ khoảng 60 – 70 tấn, nhưng những ngày giáp Tết Nguyên đán lượng tiêu thụ có thể lên tới 100-120 tấn gia cầm các loại. Đây là thời điểm tất bật nhất trong năm của chợ, các gian hàng sáng đèn từ 2-3 giờ sáng đến chiều tối ngày hôm sau.
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, kiêm Trưởng ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vĩ Lương Thanh Bình, các tiểu thương trong chợ chấp hành nghiêm quy chế, nội quy hoạt động kinh doanh, vận chuyển gia cầm; gia cầm về chợ đều có giấy kiểm dịch của các tỉnh và hồ sơ chứng minh nguồn gốc theo quy định. Ngoài ra, chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố kiểm dịch 24/24h tại cổng chợ và thực hiện phun phòng dịch tất cả các xe ra, vào. Nhiều nơi trong chợ có dán các quy định, khuyến cáo về kinh doanh gia cầm có nguồn gốc và cách nhận biết dịch cúm cũng như cách phòng tránh…. Chính vì vậy, từ năm 2011 đến nay, chợ gia cầm Hà Vĩ chưa phát hiện các chủng cúm gia cầm cũng như nguồn bệnh từ chợ lây lan ra đàn gia cầm trên địa bàn huyện Thường Tín.
Lực lượng chức năng khử khuẩn và kiểm tra nguồn gốc gia cầm vào chợ tiêu thụ. Ảnh: Cấn Minh
Còn theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh, những năm qua, công tác phòng, chống dịch bệnh tại chợ Hà Vĩ được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Tất cả các hộ kinh doanh tại chợ đều được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, ký cam kết không buôn bán gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, thực hiện tiêm phòng dịch thường xuyên số gia cầm ở chợ, hạn chế mức thấp nhất các ổ dịch xảy ra trên địa bàn. Huyện Thường Tín đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ để công tác kiểm soát, vệ sinh thú y tại chợ đúng theo quy định. Hỗ trợ các chương trình lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút để làm cơ sở xây dựng các tình huống xảy ra trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại chợ và trên đia bàn huyện, thành phố…
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho rằng, để bảo đảm an toàn dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ, huyện Thường Tín đã yêu cầu xã Lê Lợi phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thường Tín, chốt kiểm dịch động vật liên ngành thành phố tại chợ gia cầm Hà Vĩ trực 24/24 giờ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh không kinh doanh, vận chuyển gia cầm có các biểu hiện mắc các bệnh cúm A/H5N6, H5N1, H7N9…
Cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm cúm gia cầm tại chợ Hà Vĩ. Ảnh: Hương Giang
“Ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vĩ, UBND xã Lê Lợi phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn trong công tác lấy mẫu gia cầm để xét nghiệm sự lưu hành của vi rút cúm, nhằm hạn chế sự lây lan và chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm có thể lây sang người ở thời điểm giao mùa đầu xuân. Đồng thời, phối hợp với chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát gia cầm vận chuyển ra, vào chợ, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tất cả các phương tiện vận chuyển; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào chợ theo đúng quy định”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản nhấn mạnh.
Ngọc Quỳnh
Nguồn: Hà Nội mới