Những ngày gần đây, thông tin vụ hỏa hoạn thiêu rụi khu trại nuôi heo của gia đình anh Hoàng Văn Tiếp (làng Lang, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) khiến mọi người không khỏi xót xa bởi thiệt hại quá lớn, nhất là khi Tết Nguyên đán 2025 đang cận kề.
“Bà hỏa” ghé thăm đã khiến 1.600 con heo (55 kg/con) chết cháy, đồng thời làm hư hại nhiều tài sản khác. Ước tính, gia đình anh Tiếp thiệt hại hơn 6,4 tỷ đồng. Trong tích tắc, khối tài sản lớn bỗng hóa thành tro bụi trong sự bàng hoàng, tiếc nuối của gia chủ.
Trên thực tế, các cơ sở chăn nuôi vẫn thường tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Cùng ngày xảy ra vụ cháy ở khu trại nuôi heo của gia đình anh Tiếp (ngày 12-1), trại nuôi heo của ông Nguyễn Văn Quỳnh (thôn Gia Lập, xã Phú Lương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cũng xảy ra cháy, nguyên nhân là do chập điện.
Toàn bộ khu chuồng nuôi heo rộng 200 m2 bị thiêu rụi hoàn toàn, 56 con heo bị chết cháy, ước thiệt hại gần 300 triệu đồng. Trước đó, vào cuối năm 2022, tại trang trại của gia đình ông Hoàng Văn Thịnh (xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cũng bị “bà hỏa” ghé thăm khiến hơn 1.000 con heo chết cháy, hệ thống chuồng trại bị thiêu rụi, ước thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Hiện trường vụ cháy. Ảnh: ĐPCC
Điểm chung của các cơ sở chăn nuôi là chuồng trại thường được làm từ vật liệu dễ cháy như: gỗ, tre nứa, tôn xốp chống nóng. Cùng với đó, khu vực chuồng trại thường được trang bị hệ thống điện chiếu sáng, điện sưởi ấm, quạt hút mùi, quạt làm mát… Ngoài ra, một số cơ sở còn dự trữ lớn lượng rơm rạ, thức ăn gia súc, gia cầm, chất đốt như than, gas.
Hầu hết các vụ cháy tại trang trại nêu trên thường xảy ra vào mùa hanh khô, tiết trời trở lạnh nên các cơ sở thường đốt lửa hoặc sử dụng hệ thống sưởi ấm cho đàn vật nuôi. Hệ thống điện cũ kỹ, xuống cấp, không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên cũng là những nguy cơ gây mất an toàn, tiềm ẩn khả năng dẫn đến cháy, nổ. Hơn nữa, phần lớn các cơ sở chăn nuôi đều nằm xa khu vực trung tâm, đường đi vào thường nhỏ hẹp, gây khó khăn cho lực lượng chức năng tiếp cận chữa cháy khi xảy ra sự cố.
Bên cạnh đó, cần phải nhìn nhận rằng, các chủ cơ sở chăn nuôi, nhất là quy mô gia đình, vừa và nhỏ chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm ứng phó khi có sự cố.
Đồng thời, theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18-7-2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm không nằm trong danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và danh mục các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ. Vì thế, công tác kiểm tra an toàn PCCC trong cơ sở chăn nuôi của cơ quan chức năng vẫn còn chưa chặt chẽ, thường xuyên.
Đảm bảo PCCC trong cơ sở chăn nuôi là việc làm rất quan trọng nhằm giữ an toàn cho người, tài sản và vật nuôi. Từ các vụ việc nêu trên cho thấy, mỗi khi có hỏa hoạn xảy ra trong các cơ sở chăn nuôi, mức thiệt hại về mặt kinh tế là rất lớn. Vì vậy, mỗi chủ cơ sở chăn nuôi cần nêu cao tính chủ động, nâng cao nhận thức pháp luật về PCCC, tự trang bị các trang-thiết bị PCCC tại chỗ.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên đăng ký cho bản thân và người lao động trong cơ sở tham gia các lớp tập huấn, trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản về PCCC; diễn tập tại cơ sở nếu có điều kiện. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện; bố trí các khu vực chuồng trại, nơi để chất đốt, rơm rạ, thức ăn đảm bảo khoảng cách an toàn, khoa học, tránh nguy cơ cháy nổ.
Song song với đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ sở chăn nuôi, nhất là quy mô gia đình vừa và nhỏ, giúp người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc PCCC, tự nguyện trang bị các thiết bị chữa cháy tại chỗ cần thiết.
Các lực lượng chức năng cũng cần tổ chức những đợt kiểm tra chuyên đề về PCCC trong cơ sở chăn nuôi, qua đó kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở và chấn chỉnh những nguy cơ mất an toàn PCCC, hạn chế tối đa các sự cố đáng tiếc xảy ra. Và nên chăng, cần bổ sung cơ sở chăn nuôi vào danh mục thuộc diện quản lý về PCCC nhằm tăng cường vai trò của cơ quan chức năng lẫn chủ cơ sở.
Khôi Nguyên
Nguồn: Báo Gia Lai