Một người cán bộ thú y năng động, gắn bó với đời sống người nông dân vùng sâu, đóng góp tích cực vào việc phát triển nông nghiệp địa phương. Đó là ông K’ Phàng, cán bộ thú y xã Đinh Trang Hoà, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
Ông Cao Trung Ba – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đinh Trang Hoà giới thiệu về ông K’Phàng rất nhiệt tình. Vốn là người đồng bào K’ Ho, sinh ra và lớn lên ở xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, năm 2009, ông K’Phàng theo học lớp sơ cấp thú y và tham gia công tác thú y cơ sở tại xã Đinh Trang Hòa đến nay đã 15 năm. Để nâng cao trình độ, ông vừa làm vừa theo học thêm lớp trung cấp lâm sinh. Nhiều năm qua, bóng dáng người cán bộ thú y K’Phàng rất gần gũi với người nông dân trong xã.
Ông K’Phàng dùng súng tiêm vaccin cho bò
“Bà con Đinh Trang Hoà cũng chăn nuôi nhiều, heo, bò, gà. Công việc của tôi là thường xuyên hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, thú y; phổ biến phương pháp phòng, chữa bệnh trên vật nuôi cho người dân với mong muốn đàn vật nuôi của các hộ phát triển mạnh, hạn chế tối đa dịch bệnh”, ông K’Phàng chia sẻ. Ông còn trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về mảng cây trồng của mình với cán bộ khuyến nông cũng như hộ dân tại địa phương như phương pháp điều tra sinh vật hại, cách phòng, chống bệnh trên cây trồng, vật nuôi hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho bà con trong xã và các vùng lân cận.
Trong suốt 15 năm công tác, ông K’Phàng là người đồng bào địa phương, am hiểu địa bàn, thói quen chăn nuôi, hiểu và nói tiếng đồng bào nên tính cơ động, linh hoạt trong công viêc rất cao. Ông dễ dàng triển khai hiệu quả các hoạt động tiêm phòng, phát hiện và dập dịch, xử lý môi trường sau dịch bệnh của người cán bộ thú y cơ sở, nay còn gọi là dịch vụ công chăn nuôi thú y và thủy sản. Công việc của người cán bộ thú y cơ sở rất vất vả, đến từng hộ để tiêm phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi, luôn phải làm việc trong môi trường độc hại như thường xuyên phải tiếp xúc với chất thải động vật, vaccine, thuốc sát trùng và đặc biệt là một số bệnh truyền nhiễm từ động vật có thể lây sang người. Người cán bộ thú y xã trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nắm bắt tình hình thực tế, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống, tiêu độc khử trùng, tiến hành tiêm phòng vaccin cho đàn trâu bò. Công việc này còn khá nguy hiểm khi đối diện với vật nuôi hung hãn có thể đá, húc, thậm chí cắn khi tiêm phòng hoặc chữa bệnh. Bên cạnh đó, tập quán của bà con, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường chăn nuôi không tập trung, với quy mô nhỏ lẻ, người dân còn có thói quen thả rông gia súc nên việc tiêm phòng cho gia súc càng trở nên vất vả hơn.
Từ thực tế công tác thú y, ông K’Phàng là người đã sáng tạo ra cây “súng tiêm phòng”, một cải tiến nhỏ nhưng mang lại hiệu quả tốt. Ông K’Phàng cho biết, mỗi đợt tiêm phòng, số lượng đàn gia súc lên đến hàng nghìn con, chưa kể tiêm phòng dại cho chó. Để công việc được thuận lợi, từ kinh nghiệm thực tế, ông K’Phàng đã tạo ra cây súng tiêm phòng với những vật liệu đơn giản. Chỉ bằng một số ống nhựa, cò nhựa, lẫy…, ông K’Phàng đã làm ra dụng cụ tiêm phòng từ xa, có thể bắn kim tiêm chứa vaccin, chứa thuốc vào trâu, bò rất nhanh chóng và an toàn. Ông K’Phàng cho biết, nguyên lý hoạt động của “súng tiêm phòng” rất đơn giản, dễ chế tạo, dễ sử dụng. Ban đầu, dụng cụ chưa hoàn thiện lắm, khi tiêm còn bị hao hụt vaccine nhiều hay gãy kim… Qua thời gian sử dụng thực tế, ông lại tiếp tục, nghiên cứu điều chỉnh hoàn thiện dần và đến hiện tại, kết quả hoạt động của súng ổn định, dễ sử dụng.
Anh em thú y toàn huyện Di Linh, trong những đợt giám sát tiêm phòng tại xã nhận thấy dụng cụ này có thể giúp ích rất nhiều trong công tác tiêm phòng định kì của huyện. Do đó, trong các buổi triển khai công tác tiêm phòng, tập huấn, giao ban…, Trung tâm Nông nghiệp Di Linh đã giới thiệu nhân rộng sáng kiến này. Ông K’Phàng nhiệt tình trực tiếp mua dụng cụ, lắp ráp “súng tiêm phòng” hoặc hướng dẫn cách làm “súng tiêm phòng” cho các anh chị em thú y cơ sở trong huyện và bà con chăn nuôi mà không nhận bất cứ nguồn lợi nào với sáng kiến của mình. Dụng cụ “súng tiêm phòng” do ông K’ Phàng chế tạo giúp ông và lực lượng thú y của cả huyện đỡ vất vả hơn khi thực hiện công tác tiêm phòng cũng như điều trị bệnh cho gia súc, nhất là các loại gia súc lớn như trâu, bò, dê, heo nái, heo đực là những động vật khó tiếp cận và hung dữ.
Ông Cao Trung Ba – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đinh Trang Hoà, huyện Di Linh cũng nhận xét, người cán bộ thú y K’Phàng đã góp phần rất lớn đưa kiến thức chăm sóc vật nuôi đến với bà con nông dân trong xã. Và cây “súng tiêm phòng” của ông K’Phàng đã mang lại hiệu quả tốt cho công tác tiêm chủng gia súc của bà con Nhân dân địa phương.
Diệp Quỳnh
Nguồn: Báo Lâm Đồng