Năm 2024, nhờ tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội cơ bản ổn định với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; ngành chăn nuôi tăng trưởng khá, cung cấp đủ thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô.
Chủ động công tác phòng dịch
Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước. Năm 2024, tổng đàn ước đạt: 29.600 con trâu; đàn bò 124.080 con; đàn lợn 1.490 triệu con; đàn gia cầm 42.28 triệu con.
Hà Nội thực hiện phương châm “phòng bệnh là chính” trong kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Với số lượng đàn vật nuôi lớn, lại là trung tâm trung chuyển của cả nước, đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, ga cầm. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nguồn thực phẩm cho người dân Thủ đô, năm 2024, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội đã tập trung thực hiện quản lý, hướng dẫn phát triển chăn nuôi theo định hướng của Thành phố là tăng chăn nuôi, sản xuất con giống chất lượng, có giá trị cao, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Với phương châm “phòng là chính”, Chi cục đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, đẩy mạnh công tác tiêm phòng vaccine. Công tác tiêm phòng vaccine do Thành phố hỗ trợ được thực hiện hiện nghiêm túc; tỷ lệ các loại vaccine hỗ trợ đều đạt và vượt chỉ tiêu Kế hoạch Thành phố giao.
Kết quả vaccine Lở mồm long móng trâu, bò tiêm được 283.202 lượt con, đạt 86,6%; vaccine Viêm da nổi cục trâu, bò tiêm được 145.704 lượt con, đạt 89,1%; vaccine Lở mồm long móng lợn tiêm được 261.491 lượt con, đạt 85,3%; vaccine Dịch tả lợn tiêm được 261.870 lượt con, đạt 85,4%; vaccine Tai xanh lợn tiêm được 261.970 lượt con, đạt 85,5%; vaccine Cúm gia cầm tiêm được 28.288.415 lượt con, đạt 93,7%; vaccine Dại chó mèo tiêm được 428.311 lượt con, đạt 104,4% tổng đàn chó, mèo.
Cùng với đó, công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh được thực hiện đảm bảo theo quy định. Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã triển khai 1 đợt phun diệt ruồi; 3 đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường đại trà; hỗ trợ vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi bị ngập úng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và xử lý ổ dịch. Tổng số hóa chất đã cấp và sử dụng 116.080 (lít, kg). Tổng diện tích phun vệ sinh, khử trùng tiêu độc là 174.455.600 m2. Ngoài ra, các quận, huyện và thị xã hỗ trợ 946,08 tấn vôi và 1.881.429.500 đồng.
Đặc biệt, công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật cũng được đẩy mạnh, quản lý tốt động vật nhập về, xuất ra ngoài cơ sở. Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được thực hiện theo đúng quy trình và quy định của pháp luật.
Trong năm 2024, có tổng số 20.801.488 con gia súc, gia cầm; 179.528.515kg thịt gia súc, gia cầm và 4.808.105 kg sản phẩm khác làm thực phẩm được nhập về Hà Nội, tăng 4,43% so với năm 2023.
Ở chiều ngược lại, sản phẩm động vật xuất từ Hà Nội có 39.658.862 con gia súc, gia cầm; 163.229.504 kg thịt gia súc, gia cầm; sản phẩm khác làm thực phẩm là 18.835.637 kg.
Tổng số động vật được kiểm soát giết mổ là 17.387.539 con, tăng 8,77% so với năm 2023. Tổng trọng lượng thịt gia súc, gia cầm được Chi cục kiểm soát tại các cơ sở giết mổ cung cấp ra thị trường tiêu thụ ước đạt trên 400 tấn/ngày, tương đương 60% nhu cầu lượng thịt tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Bên cạnh công tác tiêm phòng và kiểm soát dịch bệnh, công tác tập huấn, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cũng được phát huy. Đã tổ chức thành công 33 lớp tập huấn tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh Dại động vật với tổng số lượt người tham dự là hơn 4.434 người; tổ chức 5 lớp tập huấn phòng, chống bệnh Cúm gia cầm cho thú y cơ sở, số lượt người tham dự là: 423 và 5 lớp nâng cao năng lực cho thú y cơ sở, số lượt người tham dự là 421…
Cấp phát 4.000 tờ rơi về các biện pháp đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật cho chủ cơ sở, người tham gia giết mổ động vật, sơ chế, bảo quản kinh doanh sản phẩm động vật; 300 quyển tài liệu về các văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi thú y cho cơ sở ấp nở, xét nghiệm, chữa bệnh, chẩn đoán, phẫu thuật, điều trị bệnh động vật, giết mổ, sơ chế, kinh doanh, bảo quản động vật, sản phẩm động vật thuộc cấp thành phố quản lý.
Dịch bệnh ổn định, đảm bảo ổn định nguồn cung thực phẩm
Năm 2024 là năm bản lề đặc biệt quan trọng, năm phải bứt phá để phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu 5 năm tại các Kế hoạch (giai đoạn) thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống dịch bệnh đã được UBND Thành phố phê duyệt. Với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của người dân, các nhóm giải pháp phòng, chống dịch bệnh đã và đang được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và cơ bản đạt được những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng giúp ngành chăn nuôi Thành phố vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.
Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được đẩy mạnh.
Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố cơ bản ổn định với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, tai xanh lợn, viêm da nổi cục trâu bò… Các ổ dịch bệnh Dại trên chó mèo và Dịch tả lợn châu Phi xảy ra lẻ tẻ, ở diện hẹp được phát hiện, khoanh vùng khống chế kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.
Công tác giám sát dịch bệnh được thực hiện thường xuyên, liên tục đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao. Công tác giám sát lưu hành vi rút theo kế hoạch và phối hợp các chương trình, Dự án được thực hiện đảm bảo, đúng đối tượng là cơ sở dự báo sớm nguy cơ và chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh.
Năm 2024 đã thực hiện lấy 720 mẫu swab theo kế hoạch của Chi cục; phối hợp Dự án CDC lấy 180 mẫu swab gộp và 30 mẫu phân để kiểm tra giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm; triển khai lấy 750 mẫu môi trường giám sát vi rút DTLCP. Kết quả không phát hiện virus dịch tả lợn châu Phi; thực hiện lấy 5.246 mẫu máu kiểm tra hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng các loại vắc xin Thành phố hỗ trợ (trong đó, 3.416 mẫu cúm gia cầm; 366 mẫu lở mồm long móng trâu bò; 488 mẫu lở mồm long móng lợn; 488 mẫu dịch tả; 488 mẫu tai xanh). Tỷ lệ bảo hộ các loại vắc xin hỗ trợ đều đạt trên 70%.
Công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật được thực hiện theo đúng phân cấp của Bộ NN&PTNT. Đến nay, Thành phố có 32 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh. Trong đó có 3 cơ sở chăn nuôi trâu bò, 2 cơ sở chăn nuôi dê, 13 cơ sở chăn nuôi lợn, 14 cơ sở chăn nuôi gia cầm…
Có thể nói, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch, cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành phố, các sở, ngành, ngành chăn nuôi của Hà Nội năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, dịch bệnh được kiểm soát, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Phương Nga
Nguồn: Kinh tế Đô thị