Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp

Năm 2024, mặc dù ngành thú y đã nỗ lực phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch tăng gần 79%; bệnh lở mồm long móng có số ổ dịch tăng hơn 2 lần và bệnh viêm da nổi cục có số ổ dịch tăng hơn 26% so với năm trước.

Tại Hội nghị tổng kết công tác của lĩnh vực thú y năm 2024 mới đây, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, trong năm 2024, một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tăng so với năm 2023. 

dịch bệnh trên vật nuôi

Người chăn nuôi cần tuân thủ tốt các điều kiện phòng, chống dịch bệnh nhất là trong thời điểm cận Tết như hiện nay. Ảnh: ST

Riêng đối với dịch tả lợn châu Phi, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12, cả nước xảy ra 1.575 ổ dịch, số lợn chết và tiêu hủy là 89.341 con. Hiện nay, cả nước có 71 ổ dịch tại 44 huyện của 18 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm trước, số ổ dịch tăng 78,97%, số lợn bị phải tiêu hủy tăng 2,13 lần.

Trong năm nay, Cục Thú y đã thực hiện giám sát sự biến đổi của virus dịch tả lợn châu Phi, kết quả giải trình tự gen cho thấy 60% các chủng virus thu thập từ các tỉnh miền Bắc năm 2024 mang cả gen B646L (p72) và E183(p54) thuộc genotype II và 40% các chủng còn lại có gen với B646L (P72) thuộc genotype I và E183L (P54) thuộc genotype II. Các chủng dịch tả lợn châu Phi tái tổ hợp này của Việt Nam giống 100% với các chủng dịch tả lợn châu Phi tái tổ hợp xuất hiện ở Trung Quốc năm 2021 – 2022, Mongolia năm 2022 và Cameroon năm 2023.

“Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Mặc dù đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi phòng bệnh cho lợn thịt, nhưng việc người chăn nuôi quan tâm, sử dụng vaccine còn hạn chế. Trong khi đó, một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, việc tổ chức chống dịch, xử lý, tiêu hủy lợn bệnh gặp không ít khó khăn do nhiều nơi không có đủ lực lượng thú y, thiếu kinh phí mua hóa chất, vôi bột, thuê phương tiện, không có đủ kinh phí cho người tham gia xử lý lợn mắc bệnh”, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết. 

Đối với bệnh cúm gia cầm, năm 2024, cả nước xảy ra 14 ổ dịch tại 9 tỉnh, thành phố; số gia cầm mắc bệnh là 90.673 con, số gia cầm chết và tiêu hủy là 97.999 con. Hiện nay, không có ổ dịch bệnh cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. So với năm trước, số ổ dịch cúm gia cầm năm nay giảm 30%, nhưng số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy tăng 2,67 lần. Đáng chú ý, kết quả giám sát chủ động cúm gia cầm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Hoa Kỳ tài trợ, đã thực hiện xét nghiệm 1.442 mẫu gộp tại 12 tỉnh, thành phố. Kết quả, có 496 mẫu dương tính với Cúm A (34,4%), 45 mẫu dương tính với Cúm gia cầm A/H5N1 (3,12%) tại 6 tỉnh và 1 mẫu dương tính với Cúm gia cầm A/H5N6 (0,07%) tại 1 tỉnh.

Cục Thú y nhận định, nguy cơ bệnh cúm gia cầm tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do nhiều nguyên nhân. Điển hình như các ổ dịch chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vaccine. Cùng với đó, thời tiết thay đổi thất thường, số lượng gia cầm nuôi, việc vận chuyển giữa các địa phương tăng cao để phục vụ nhu cầu cuối năm. Kết quả giám sát chủ động để xác định virus cúm gia cầm lưu hành với tỷ lệ ở mức tương đối cao. Một số chủng virus cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.

Đối với một số dịch bệnh khác, trong năm 2024, cả nước đã xảy ra 72 ổ dịch lở mồm long móng tại 20 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 2.240 con, số gia súc chết và tiêu hủy là 163 con. Hiện nay, cả nước chỉ còn 1 ổ dịch lở mồm long móng tại tỉnh Bắc Kạn chưa qua 21 ngày. So với năm 2023, số tỉnh bị dịch bệnh lở mồm long móng năm nay tăng 6 tỉnh, số ổ dịch tăng 2,48 lần, số gia súc mắc bệnh buộc tiêu hủy tăng 2,18 lần.

Cục trưởng Nguyễn Văn Long khuyến cáo, nguy cơ dịch bệnh lở mồm long móng tái phát và phát sinh là rất cao, do một số địa phương chưa triển khai tiêm phòng triệt để vaccine phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc mới, trong khi đàn gia súc cũ đã hết miễn dịch. Virus lở mồm long móng tồn tại lâu ngoài môi trường, đặc biệt ở các địa phương có ổ dịch cũ.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *