(Người Chăn Nuôi) – Ngày 18/12 tại Hà Nội, Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024. Đây là dịp để các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực nông thôn đối thoại đến các cơ quan chức năng, qua đó kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong bối cảnh phát triển của ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT mong muốn tại Diễn đàn được lắng nghe ý kiến phát của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, người nông dân, từ đó Bộ sẽ có những chỉ đạo đúng và trúng hơn trong công tác quản lý thời gian tới.
“Tôi tin rằng, với sự tham gia tích cực của tất cả các doanh nghiệp, các quý vị đại biểu tại Diễn đàn hôm nay, cùng sự nỗ lực, chịu khó của bà con nông dân, chúng ta hoàn toàn có thể cùng nhau đưa ra những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy một nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, không những đáp ứng nhu cầu trong nước và còn vươn rộng, vươn xa ra trường quốc tế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh tầm quan trọng trong sợi dây liên kết giữa nhà nước- doanh nghiệp và người nông dân.
Theo báo cáo tại Diễn đàn, những con số tích cực trong sản xuất nông nghiệp tháng 11 và 11 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, đã và đang là những tín hiệu lạc quan cho mục tiêu phát triển chung của ngành nông nghiệp năm nay. Trong đó, tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,1 – 3,4%, riêng chăn nuôi tăng 5,3 – 5,5%.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm tăng khá, tiêu biểu như sản lượng thịt hơi các loại 8,1 triệu tấn, tăng 3,5%.
Để có được kết quả đó, doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn khá khiêm tốn do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện De Heus Việt Nam nhận Bằng khen và Kỷ niệm chương từ Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Tham luận tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, chăn nuôi là một trong bốn lĩnh vực trọng yếu của ngành nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước còn rất thấp.
Ông Dương nêu rõ, ngành chăn nuôi đang đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm việc không gian chăn nuôi ngày càng thu hẹp do mật độ dân cư đông đúc. Cụ thể, mật độ vật nuôi ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, đứng thứ 6 toàn cầu. Trong khi đó, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đang gia tăng nhanh chóng, với mức tăng khoảng 15% mỗi năm, so với mức tăng chỉ 2 – 3% của sản xuất trong nước.
“Ngành chăn nuôi Việt Nam đang dần chuyển mình theo hướng bền vững và chuyên nghiệp hơn, tạo cơ hội để doanh nghiệp định hướng phát triển, nâng cao giá trị và đáp ứng yêu cầu hội nhập”, ông Dương nhận định.
Với góc nhìn của doanh nghiệp nước ngoài đã tham gia vào thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam từ năm 2008, De Heus Việt Nam kiến nghị 4 giải pháp giúp phát triển nông nghiệp bền vững. Trước hết, cần thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, đào tạo nông dân về canh tác hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, xây dựng hệ sinh thái sản xuất xanh, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, tăng cường tái chế phụ phẩm. Đồng thời, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nền tảng quản lý nông nghiệp thông minh. Ngoài ra, cần phát triển nhân lực thông qua hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để nâng cao trình độ kỹ thuật.
Được biết, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW khóa XIII về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, tập trung thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030 và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuẩn chuỗi giá trị, đồng thời tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, xanh và bền vững, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đồng thời thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về giảm phát thải và phát triển nông nghiệp xanh.
Thùy Khánh
(Bài và ảnh)