Thịt heo rục rịch tăng giá cuối năm

Cận Tết, lượng thịt (trâu, bò, heo, gà) và phụ phẩm tăng mạnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề cần lo.

Ghi nhận thị trường những ngày gần đây, giá heo hơi đang tăng ở mức từ 65.000 – 66.000 đồng/kg, cao hơn so với cuối tháng 10 từ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Do giá heo hơi tăng, một số đơn vị bán lẻ cũng điều chỉnh giá tăng như chuỗi cửa hàng bán lẻ Hà Hiền tăng 2.000 đồng/kg, lên 138.000 đồng/kg với thịt ba rọi, 167.000 đồng/kg với sườn non và nạc đùi heo lên 106.000 đồng/kg…

Giá heo trong nước tăng trở lại

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết với giá heo hơi hiện nay, người chăn nuôi đang có lãi. “Về tâm lý, người chăn nuôi luôn muốn giá heo tăng để có hiệu quả tốt nhưng về vĩ mô, cần phải hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng với mức giá vừa phải. Khi mặt bằng giá thịt heo tăng thì nhập khẩu sẽ tăng để hạ nhiệt” – ông Công nói.

giá heo trong nước

Thịt đông lạnh trong kho của doanh nghiệp tại TP HCM Ảnh: AN NA

Thống kê hải quan cho thấy nhập khẩu thịt heo 10 tháng 2024 đạt gần 85.000 tấn. trị giá gần 192 triệu USD, giảm 17,8% về lượng và giảm 23,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá trung bình ở mức 2.262 USD/ tấn (khoảng 57.000 đồng/kg), giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguồn cung thịt heo cho Việt Nam rất đa dạng với 40 thị trường nhưng tập trung vào các thị trường như: Brazil chiếm 39%; Nga 30%; Canada 7,45%; Đức 6%; Hà Lan 4%…

Ông Công nói rằng các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu tính toán có lời mới nhập khẩu chứ không phải nhập để chiếm lĩnh thị trường. “Nếu họ nhập hàng chính phẩm thì không quá lo vì giá không chênh lệch nhiều. Riêng hàng phụ phẩm, nội tạng cần kiểm soát để bảo vệ người tiêu dùng và chăn nuôi trong nước” – ông Công nêu quan điểm.

Giám đốc một nhà máy chế biến thực phẩm tại Bình Dương thông tin hiện công ty sử dụng song song nguồn hàng trong nước và nhập khẩu do giá tương đương nhau. Theo đó, với lượng mua hàng tính theo container (khoảng 20 tấn) có đơn giá 78.000 đồng/kg với thịt nạc, nguồn từ Mỹ, Brazil và 85.000 đồng/kg với thịt ba rọi, nguồn từ Nga.

Riêng chân giò heo, nhà máy chỉ sử dụng hàng nhập khẩu do giá rẻ hơn hẳn (khoảng 45.000 đồng/kg) so với hàng trong nước để chế biến các món như: chân giò xông khói, chân giò ủ muối… “Giá hàng nhập khẩu thường ổn định, còn hàng trong nước biến động nhiều, khó chốt giá đầu ra” – đại diện DN này cho biết.

Ông Nguyễn Thái Bình, vận hành một chuỗi nhà hàng cao cấp tại TP HCM, cho hay để bảo đảm độ ngon cho các món ăn, hệ thống chỉ dùng thịt heo trong nước bởi tươi mới, ngọt thịt.

Cũng theo ông Bình, thịt heo đông lạnh chủ yếu dùng ở các quán bình dân, cơ sở chế biến hàng tiêu dùng nhanh, ít dùng trong các nhà hàng cao cấp. Riêng món bò thì dùng hàng nhập khẩu khá nhiều do nguồn cung trong nước không đủ.

Chăn nuôi trâu, bò lao đao

Số liệu chi tiết được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) công bố cho thấy tính đến tháng 10, lượng nhập khẩu các chủng loại đều tăng (trừ thịt heo tươi ướp lạnh giảm) so với cùng kỳ năm 2023.

Trong thời gian này, Việt Nam đã nhập 159.480 tấn thịt từ Ấn Độ, trị giá 531,5 triệu USD, tăng 13% về khối lượng và tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, đơn giá thịt nhập (chủ yếu là thịt trâu) từ Ấn Độ chỉ khoảng 3.333 USD/tấn, tương đương 84.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt bò trong nước phổ biến từ 200.000 – 250.000 đồng/kg.

Đây là một trong những lý do chính khiến ngành chăn nuôi trâu, bò của Việt Nam thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.

Ngọc Ánh

Nguồn: Người Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *