UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành kế hoạch triển khai Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu.
Đồng Nai có nhiều thuận lợi để triển khai đề án trên vì tỉnh đã quy hoạch xây dựng Mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có nhiều cơ sở giết mổ được đầu tư công nghệ hiện đại, quy mô lớn.
Hình thành mạng lưới giết mổ hiện đại
Theo Mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 58 cơ sở giết mổ. Đến nay, toàn tỉnh có 43 cơ sở giết mổ đang hoạt động; trong đó có 40 cơ sở thuộc mạng lưới giết mổ tập trung và 3 cơ sở giết mổ tạm thời. Công suất giết mổ khoảng 2 ngàn con heo/ngày, 37 – 40 ngàn con gà/ngày.
Dây chuyền giết mổ của Nhà máy Chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F). Ảnh: B.Nguyên
Giám đốc Nhà máy Chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F, ở huyện Trảng Bom) Nguyễn Thượng Vũ cho biết, doanh nghiệp đi tiên phong đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại, làm dòng sản phẩm thịt mát đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều năm qua, doanh nghiệp tập trung giết mổ, cung cấp dòng sản phẩm thịt mát vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Do chưa khai thác hết công suất hoạt động nên từ năm 2024, DN mở rộng đối tượng khách hàng, nhận giết mổ gia công thịt nóng với mục tiêu cung cấp nguồn thịt heo sạch cho đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là tại các chợ truyền thống. Hiện công suất giết mổ tại nhà máy là 2 ngàn con heo/ngày.
Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi chế biến bình quân đạt 5%/năm đến năm 2025 và tăng lên mức bình quân đạt 8% vào năm 2030. Về trình độ công nghệ cũng từng bước nâng cao, đáp ứng theo yêu câu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nhà máy giết mổ tập trung và chế biến gia súc của Công ty TNHH Anh Hoàng Thy được đầu tư tại xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) có diện tích 10 ngàn m2 gồm nhiều hạng mục: khu giết mổ gia súc tập trung; khu giết mổ cho thuê tự chọn, kho lạnh, khu chế biến, khu xử lý nước thải… Công suất giết mổ của nhà máy đạt từ 2.500-3.000 con heo/ngày đêm. DN này đang là nhà cung cấp thịt heo cho các hệ thống siêu thị lớn như: Big C, Co.op Mart…
Theo đại diện của Công ty TNHH Anh Hoàng Thy, DN hợp tác với Hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam xây dựng trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai, một trong những vùng chăn nuôi trọng điểm, lớn nhất cả nước, với mục tiêu nâng cao năng lực và quy mô sản xuất để cung ứng thịt heo sạch cho thị trường lớn Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, và Nam Trung Bộ. Trạm trung chuyển được vận hành với sự kiểm soát nghiêm ngặt, theo quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Điểm nổi bật của mô hình này là xây dựng được chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp thương mại, giết mổ và hợp tác xã, nông hộ chăn nuôi vào chuỗi sản xuất và cung ứng thịt heo đạt chuẩn VietGAP.
Trên cơ sở này, Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đặt ra các mục tiêu cao. Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa. Bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt khoảng 60-70%. Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh tiếp tục phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa. Định hướng toàn tỉnh có 17 cơ sở giết mổ gia súc và 5 cơ sở giết mổ gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp. Bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 70% và 80%.
Gắn với đầu tư chế biến sâu
Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh cũng đặt ra mục tiêu phát triển ngành chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 47 cơ sở sơ chế, chế biến thịt heo, thịt gà với quy mô khoảng 70 ngàn tấn thành phẩm/năm, tương đương 100 ngàn tấn nguyên liệu/năm; 130 cơ sở nhỏ lẻ chế biến các sản phẩm từ thịt như: giò chả, nem chua, chà bông chế biến bằng phương pháp thủ công.
Theo mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô, công nghệ, quản lý ngang tầm khu vực và thế giới. Bảo đảm tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tồng sản lượng thịt tương ứng từ 25 – 30% đến năm 2025 và tăng lên từ 40 – 50% đến năm 2030.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho biết, Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì thực hiện. Đề án đặt ra nhóm nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến của tỉnh. Trong đó, những nội dung được chú trọng gồm: phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết và tăng cường kiểm soát chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi chế biến. Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh thú y, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm…, đáp ứng quy định của Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Bình Nguyên
Nguồn: Báo Đồng Nai