(Người Chăn Nuôi) – Tình hình phát triển đàn gia súc, gia cầm trên cả nước tính đến cuối tháng 9 tương tự với các tháng trước đó. Đàn trâu, bò có xu hướng giảm, trong khi đàn heo có nhiều khởi sắc và chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định.
Kết quả tích cực
Theo số liệu mới đây của Bộ NN&PTNT, tổng số trâu của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 9 khoảng 2.135.000 con, giảm 3,6% so với cùng thời điểm năm 2023. Đàn bò là 6.382.000 con; đàn bò trong tháng có xu hướng giảm đàn ở hầu hết các địa phương. Tổng số bò của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 9 giảm 0,4% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Chăn nuôi heo trên cả nước có nhiều khởi sắc hơn so với các tháng trước và cùng kỳ năm ngoái do giá bán thịt hơi tăng đều trên cả nước. Tổng số heo của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 9 đạt 26.419.000 con; tăng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2023.
Đàn gia cầm cả nước vẫn phát triển ổn định, mặc dù cơn bão số 3 đã gây thiệt hại khá lớn đối với hoạt động chăn nuôi gia cầm tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, nhưng tổng số gia cầm của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 9 vẫn đạt 562.508.000 con, tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm 2023.
Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 3.835.000 tấn tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá thịt heo hơi đang ở mức cao, các doanh nghiệp và chuỗi liên kết sản xuất có xu hướng mở rộng sản xuất khi giá sản phẩm đầu ra tăng.
Tháng 9/2024, giá thịt heo hơi bình quân trên cả nước biến động so với tháng trước, có xu hướng tăng về cuối tháng. Cụ thể, giá thu mua heo hơi bình quân tại Hưng Yên ở mức 66.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với tháng 8/2024; tại Nam Định là 63.667 đồng/kg, tăng 1.667 đồng/kg; tại Đồng Nai 64.000 đồng/kg, tăng 125 đồng/kg; tại An Giang là 63.400 đồng/kg, tăng 1.400 đồng/kg.
Trong tháng 9, giá thịt heo hơi bình quân trên cả nước có xu hướng tăng về cuối tháng. Ảnh: Thùy Khánh
Giá thu mua thịt bò hơi bình quân trong tháng 9 tại các tỉnh phía Nam không có biến động lớn so với tháng trước. Cụ thể: tại Đồng Nai, giá giao dịch ở mức 76.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với tháng 8/2024; Vĩnh Long giữ ổn định ở mức 86.000 đồng/kg.
Sản lượng thịt gia cầm hơi ước đạt 1.822.000 tấn tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực doanh nghiệp phát triển chăn nuôi ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, chỉ phát sinh một số ổ dịch nhỏ lẻ.
Tại các tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Long, giá gà công nghiệp giao dịch phổ biến ở mức 30.000 – 38.000 đồng/kg, tăng từ 1.375 – 2.222 đồng/kg so với tháng trước. Đối với gà lông màu, gà công ty nuôi 100 ngày nguồn cung gà già còn nhiều, nhu cầu tiêu thụ chậm kéo theo giao dịch phổ biến giảm nhẹ, theo ghi nhận, giá gà lông màu tại Đồng Nai ở mức 43.750 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg.
Sản lượng trứng ước đạt 14.955 triệu quả, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, do tổng đàn gia cầm trên cả nước tăng. Tháng 9/2024, giá trứng gà tăng nhẹ so với tháng trước, Cụ thể, tại Đồng Nai, giá thu mua trứng gà ta bình quân ở mức 28.125 đồng/chục, tăng 125 đồng/chục so với tháng 8/2024; giá thu mua trứng gà công nghiệp bình quân 21.625 đồng/chục, tăng 125 đồng/chục quả.
Tái đàn, tăng tốc sản xuất
Thông thường, thịt gia cầm sẽ được tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm. Theo Cục Chăn nuôi, trung bình mỗi tháng, cả nước tiêu thụ khoảng 160.000 tấn gia cầm, nhưng riêng tháng Tết dự báo tăng trên 20%, trong đó hơn 2/3 là thịt gà. Nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, thời điểm này, các trang trại, nông hộ chăn nuôi gà ở khu vực miền Bắc đã nhanh chóng khôi phục lại chuồng trại, tăng tốc sản xuất.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, mặc dù ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn nhưng đây chỉ là tạm thời, hoàn toàn có thể vượt qua để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho 100 triệu dân, phục vụ khách du lịch và xuất khẩu.
Dự kiến sản lượng và cơ cấu thịt hơi xuất chuồng năm 2024. Nguồn: Bộ NN&PTNT
“Việc tái đàn, tái sản xuất cần được cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ, hướng dẫn thường xuyên, cụ thể để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Người dân cần lưu ý 3 vấn đề cốt lõi: Vệ sinh môi trường, chuồng trại, khu vực chăn nuôi; Đảm bảo nguồn giống uy tín, được kiểm dịch đầy đủ; Chuồng trại, thức ăn, nước uống phải đáp ứng nhu cầu của vật nuôi trong suốt quá trình nuôi dưỡng”, ông Đăng khuyến cáo.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, từ nay đến cuối năm, đảm bảo thời gian để người dân có thể nuôi được một lứa heo, một lứa gia cầm đủ xuất chuồng. Hiện tại, qua thống kê cho thấy, lượng con giống, nguồn thức ăn để cung cấp phục vụ tái sản xuất sau bão là đảm bảo, việc còn lại của các địa phương là tổ chức thực hiện.
Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu, song song với nhiệm vụ tái thiết sản xuất, công tác vệ sinh phòng bệnh và an toàn sinh học cần được đặt lên hàng đầu do thời tiết còn những biến động phức tạp, trong khi đó, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn luôn có thể xảy ra.
Thùy Khánh