(Người Chăn Nuôi) – Bộ NN&PTNT vừa ban hành Thông báo số 7492/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố ảnh hưởng sau bão, lũ tổ chức ngày 28/9 tại Hải Phòng.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ (Cục Thú y, Cục Thủy sản và Cục Chăn nuôi), ý kiến phát biểu của UBND thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận: Bão số 3 (Yagi) đã gây ra thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp tại hầu hết các địa phương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa. Đối với chăn nuôi, tính đến ngày 26/9/2024, bão, mưa lũ đã làm trên 4,5 triệu gia súc, gia cầm bị chết.
Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt ngay từ trước, trong và sau bão. Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố đã và đang có các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để các địa phương khẩn trương khôi phục sản xuất; đồng thời kêu gọi cộng đồng trong nước, quốc tế, các nước, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hỗ trợ theo tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm là rách lúc hoạn nạn.
Tính đến ngày 28/9/2024, tổng cộng đã có gần 190 tỷ được huy động để hỗ trợ người dân và các địa phương khôi phục sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão Yagi.
Nhiều trang trại nuôi gia cầm tại miền Bắc bị ngập nặng do bão số 3. Ảnh: ST
Để khắc phục nhanh hậu quả do bão Yagi và mưa lũ sau bão, khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của nhân dân, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương, cơ quan Trung ương, cơ quan địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội khẩn trương, chủ động triển khai đồng bộ, kịp thời các nội dung đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, nhất là Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 và các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi
Bộ NN&PTNT yêu cầu phân công lãnh đạo và các cán bộ của các cơ quan chuyên môn (thú y, chăn nuôi, thủy sản và khuyến nông) đến từng địa phương, cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ và triển khai ngay những nội dung sau.
Thu gom xác động vật để xử lý, tiêu hủy; tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi, chuồng nuôi và dụng cụ chăn nuôi để tiêu diệt các loại mầm bệnh trước khi chăn nuôi. Sửa chữa, xây mới chuồng trại bảo đảm dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh khử trùng đảm bảo vệ sinh, an toàn trước khi thực hiện tái đàn; chuẩn bị đầy đủ thức ăn theo yêu cầu của vật nuôi.
Lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch, được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo quy định. Chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng nuôi, đồng thời bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho đàn vật nuôi.
Tổ chức tiêm phòng vaccine đầy đủ, đồng loạt trên địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh đối với các bệnh phổ biến của từng loại vật nuôi, tiêm nhắc lại đối với vật nuôi đã hết hoặc sắp hết miễn dịch, tiêm phòng bổ sung đối với vật nuôi mới phát sinh. Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm; hàng ngày theo dõi đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Không được bán hoặc phát tán gia súc, gia cầm ốm, chết và chất thải của chúng ra môi trường xung quanh. Tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tai xanh,…
Hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan 3 chuyên môn thú y để tiến hành điều tra và xử lý ổ dịch theo đúng quy định. Không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết; không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.
Các biện pháp khôi phục đàn vật nuôi
Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng, phê duyệt, bố trí kinh phí và nguồn lực để triển khai kịp thời, có hiệu quả kế hoạch phục hồi chăn nuôi sau những ngày ngập lụt và mưa lũ; kế hoạch cung cấp con giống, thức ăn, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất; sửa chữa chuồng trại để phục hồi và phát triển sản xuất sau thiên tai, xây dựng các giải pháp khắc phục, khôi phục phù hợp với điều kiện ở địa phương; kịch bản về nguồn cung giống gia cầm 1 ngày tuổi để hỗ trợ cho các địa phương khôi phục sản xuất chăn nuôi.
Chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo quy định. Tuyệt đối, không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.
Các địa phương xây dựng kế hoạch nhu cầu nguồn giống vật nuôi, có phương án tiếp nhận con giống cung cấp cho người chăn nuôi khi được hỗ trợ con giống. Ưu tiên giống vật nuôi bản địa, giống phù hợp với phương thức chăn nuôi, kinh nghiệm chăn nuôi của địa phương.
Khai thác, tận dụng triệt để nguồn thức ăn sẵn có nhằm cung cấp đầy đủ cho vật nuôi sau mưa lũ. Đối với gia súc già yếu và gia cầm, gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung, thức ăn giàu dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp đủ nước uống đảm bảo vệ sinh nhằm tăng cường sức khỏe, quá trình hồi phục của vật nuôi.
Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện quy trình chăm sóc nuôi dưỡng đàn vật nuôi theo khuyến cáo của đơn vị cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi. Khi nước rút, thực hiện vệ sinh chuồng trại, vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi; chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị bão, lũ ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các mầm bệnh.
Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học tại các cơ sở chăn nuôi được phục hồi sau bão. Quản lý đàn vật nuôi, thực hiện tốt quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi; tuyệt đối không chăn thả gia súc ở những khu vực bị ô nhiễm; chủ động triển khai công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm.
Tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định; không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường; đồng thời tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến tận các hộ chăn nuôi.
Về giải pháp lâu dài, rà soát các vùng nuôi tập trung và đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại và khôi phục sản xuất. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi khép kín; Kiên quyết di dời các cơ sở nuôi ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường.
Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y thành lập các đoàn công tác đến các địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tập trung các biện pháp tổng vệ sinh, sát trùng, tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi. Hướng dẫn, hỗ trợ việc cung ứng các loại thuốc, vaccine; chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng vaccine không tăng giá tại các địa phương bị ảnh hưởng bão, lũ. Bên cạnh đó, tổng hợp nhu cầu và xây dựng kế hoạch trình Bộ NN&PTNT phê duyệt hỗ trợ các địa phương về hóa chất, vaccine, để tiêu độc, khử trùng, xử lý môi trường do ảnh hưởng của bão, lũ và phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời giao Cục Chăn nuôi tiếp tục thành lập các đoàn công tác đến các địa phương bị thiệt hại để 5 động viên hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc triển khai các biện pháp phục hồi chăn nuôi các kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; Có biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ việc cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi và các thiết bị chăn nuôi cho người dân.
Thùy Khánh