(Người Chăn Nuôi) – Ngày 23/9/2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã ký Quyết định số 3217/QĐ-BNN-CN ban hành Kế hoạch của Bộ triển khai Đề án Phát triển bền vững ngành ong đến năm 2030.
Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030 nước ta chủ động duy trì số lượng từ 1,3 – 1,5 triệu đàn ong được di chuyển theo nguồn hoa, nguồn mật, đạt năng suất mật bình quân cả nước trên 42 kg/đàn/năm đối với ong ngoại và trên 18 kg/đàn/năm đối với ong nội; tổng sản lượng mật ong ổn định 55.000 – 60.000 tấn/năm, trong đó xuất khẩu khoảng 80% và tiêu dùng nội địa khoảng 20%.
Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Ảnh: ST
Bộ NN&PTNT giao Cục Chăn nuôi là đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong Bộ và địa phương tổ chức theo dõi, đôn đốc, giám sát, đánh giá việc triển khai Kế hoạch; báo cáo và tham mưu lãnh đạo Bộ xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó, các dự án ưu tiên thuộc Đề án sẽ thực hiện từ nay đến năm 2030 bao gồm nội dung cụ thể như sau:
Từ 2025 – 2030, phân công Cục Chăn nuôi chủ trì tổ chức phổ biến nội dung, kế hoạch triển khai, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai các dự án thuộc đề án.
Từ năm 2025 – 2027, Cục Chăn nuôi chủ trì điều tra định kỳ trữ lượng cây nguồn mật phục vụ cho phát triển nuôi ong hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Xác định được thành phần, trữ lượng, vùng phân bố cây nguồn mật để điều chỉnh hợp lý mật độ đàn ong với diện tích cây nguồn mật. Bên cạnh đó, chọn lọc, lai tạo phát triển các giống ong mật có tính tụ đàn lớn, năng suất mật cao, kháng bệnh và ve ký sinh phục vụ nhu cầu về ong chúa giống cho người sản xuất. Đồng thời, thực hiện nhập khẩu các giống ong ngoại có năng suất, chất lượng cao, có tính kháng bệnh cao để chọn tạo, nhân đàn mở rộng quy mô nuôi ong chuyên nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, chủ yếu phục vụ xuất khẩu.
Lai tạo giữa giống ong ngoại (Apis mellifera) nhập khẩu với các giống ong ngoại đã tuyển chọn ở trong nước nhằm tạo ra giống ong/chủng mới có năng suất, chất lượng cao, có tính kháng bệnh, ký sinh phù hợp với mục đích sử dụng và vùng sinh thái.
Từ năm 2026 – 2030, Viện Chăn nuôi chủ trì nghiên cứu phát triển để hoàn thiện và mở rộng quy mô áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho ong chúa giống ở quy mô công nghiệp kết hợp với chọn giống ong theo quần thể khép kín. Cải tiến chất lượng ong giống về năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh phục vụ sản xuất. Mục tiêu là xây dựng 5 mô hình nuôi ong ngoại áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho ong chúa giống với quy mô từ 500 đàn trở lên tại các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Hưng Yên, Bắc Giang, Đắk Lắk.
Từ năm 2025 – 2027, Cục Chăn nuôi chủ trì xây dựng TCVN về sản phẩm từ ong mật. Tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về sản phẩm từ ong mật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Từ năm 2025 – 2027, Cục Chăn nuôi chủ trì phát triển sản xuất thức ăn bổ sung, thức ăn thay thế cho ong từ các nguồn nguyên liệu trong nước dễ sử dụng, bảo quản; đảm bảo cân bằng dinh dưỡng an toàn cho đàn ong, không để lại tồn dư trong sản phẩm ong mật. Hoàn thiện quy trình sản xuất và thương mại hóa sản phẩm đối với thức ăn bổ sung cho ong sử dụng trong vụ Đông và khi khai thác nguồn mật lá.
Từ năm 2027 – 2030, Cục Chăn nuôi phụ trách nghiên cứu các phương pháp thụ phấn cho cây trồng bằng cách sử dụng các loài ong khác nhau Chọn tạo các giống ong nội, ong ngoại, ong không ngòi đốt, ong nghệ chuyên dụng dùng cho thụ phấn cây trồng.
Minh Khuê