Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.
Sau bão số 3, trên địa bàn thành phố Hải Phòng gần như các trang trại, gia trại đều có vật nuôi bị chết, chỉ có những trường hợp không còn gia cầm trong chuồng thì thiệt ít hơn. Chúng tôi tìm gặp ông Vũ Văn Toán, cũng là một hộ nuôi gà ở xã Khởi Nghĩa (huyện Tiên Lãng) may mắn hơn một số hộ khác trên địa bàn bởi vừa bán gà xong, dù vậy toàn bộ phần mái của trang trại đều bị đổ sập, không thể chăn nuôi trở lại.
Chuồng trại nuôi gà bị bão quật tan tác. Ảnh: Đinh Mười.
Anh Toán chia sẻ, gia đình nuôi gà từ năm 2006, từ khi còn rất khó khăn, con gà đã cho gia đình anh cuộc sống ổn định rồi có nhà cửa, nuôi con cái ăn học. Do đã chuyển đổi từ đất trồng lúa sang chăn nuôi nên ngoài đàn gà ra, gia đình anh gần như không còn cơ sở sản xuất, kinh doanh nào khác.
Trong lúc chăn nuôi khó khăn, để tồn tại được, ngoài số tiền tích cóp được, gia đình anh Toán phải vay mượn khắp nơi để đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc để chăn nuôi. “Mát tay” nên sau nhiều năm gồng gánh, số tiền nợ ngân hàng cuối cùng cũng trả xong, đang định đầu tư nâng cấp một số công trình thì bão số 3 ập đến.
Nhìn cơ ngơi làm ăn bị đổ sập, quá xót của, trong lúc bão đang giật mạnh cả 2 vợ chồng anh Toán còn định lao ra để tìm cách hạn chế thiệt hại nhưng vừa mở cửa ra thì gió mạnh đánh sập cánh cửa như chặn lại. Chỉ trong một buổi chiều, cả khu trang trại rộng 1.000 m2 bị quật tơi tả, tan hoang, mái lợp bị sập toàn bộ, tường bao loang lổ, các ô chuồng nuôi gà bị đè bẹp nằm ngổn ngang, xiêu vẹo, không còn sử dụng được.
“Rất buồn, tôi bị thiệt hại cả nhà lẫn trang trại. Lúc bão nổi lên nhìn một đống tài sản bay trong gió mà xót xa, tôi phải can mãi vợ mới không xông ra khu trang trại. Gia đình tôi nuôi gà đã 18 năm nay, nhờ gà mà có tiền trang trải nuôi con cái ăn học, giờ trắng tay rồi chú ạ”, anh Toán buồn bã.
Khu trang trại chăn nuôi gà của anh Nguyễn Quang Vình bị đổ sập khiến 2 nghìn con gà đẻ trứng bị chết trong bão. Ảnh: Đinh Mười.
Rời xã Khởi Nghĩa, theo giới thiệu của Phòng NN-PTNT huyện Tiên Lãng, chúng tôi về xã Toàn Thắng, địa phương này có 10 trang trại chăn nuôi tập trung và hầu hết cũng trong tình trạng tương tự, thiệt hại nặng nề. Dọc đường đi, khi qua những cánh đồng vắng vẻ, không khó để nhìn thấy những ngôi nhà lợp tôn bị tốc mái hay những trang trại chăn nuôi như vừa bị một trận oanh tạc của bom đạn.
Vừa chở rác thải mới được công nhân thu dọn tại trang trại, anh Nguyễn Quang Vình tiếp chúng tôi trong tình trạng tóc rối bời, râu ria lởm chởm và bộ dạng uể oải. Anh Vình cho hay, vì quen biết từ lâu nên mới đồng ý tiếp, trong ngày cũng đã từ chối nhiều người vì sau bão thiệt hại lớn quá, trang trại ngổn ngang, mọi hoạt động đình trệ, ngoài tập trung khắc phục ra gần như không còn muốn làm gì.
Anh Vình nuôi 20.000 con gà đẻ trứng, là hợp tác xã chăn nuôi quy mô nhất xã Toàn Thắng, có đầu tư lớn về trang thiết bị, công nghệ, nhất là ứng dụng tự động hóa, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và quản lý chăn nuôi. Và Hợp tác xã Duy Nhất của anh Vình cũng là một trong 2 đơn vị đầu tiên ở Hải Phòng được công nhận có sản phẩm OCOP đối với sản phẩm trứng.
Đầu tư lớn, cẩn thận nhưng cũng không tránh khỏi thiệt hại, chỉ trong 12 giờ, 2 nghìn con gà đẻ trứng và 1 khu chăn nuôi của anh Vình đã bị thiệt hại, gà chết, trang trại đổ sập do 2 cây si lớn bị bật gốc đổ vào. Thiệt hại đã rõ nhưng sau bão, điều anh Vình lo nhất là dịch bệnh và làm thế nào để khôi phục lại sản xuất.
Có gia đình ở huyện Tiên Lãng chết tới 7 nghìn con gà sau bão số 3. Ảnh: Đinh Mười.
“Thiệt hại quá anh ạ, hôm bão vợ chồng em mỗi người cố thủ ở một trang trại, biết là nguy hiểm nhưng một đống của ở đấy, không nỡ bỏ lại. Nhìn trang trại bị đổ sập, gà chết la liệt, vợ em khóc nấc lên. Giờ bị thế này vừa lo dịch bệnh bùng phát vừa không biết lấy tiền đâu để khắc phục”, anh Vình bày tỏ.
Ông Vũ Văn Bản – Phó Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng thông tin, toàn bộ trang trại chăn nuôi tổng hợp quy mô từ 6 – 10 nghìn con trên địa bàn xã hầu hết đều bị thiệt hại sau bão số 3. Riêng trường hợp anh Vình là người rất cẩn trọng, trước bão qua kiểm tra cho thấy đã gia cố kỹ càng nhưng cũng không thoát được thiệt hại nặng vì sức bão vượt qua khả năng ứng phó của nông dân trên địa bàn.
Trước mắt, địa phương sẽ hỗ trợ các trang trại về nhân lực để sớm khắc phục chuồng trại, tiếp tục chăn nuôi. Sau đó sẽ giúp các hộ dân hoàn thiện thủ tục để cùng các ngân hàng có nguồn vốn hỗ trợ, có ý kiến để các ngân hàng giãn, hoãn nợ cho người dân.
Theo ông Vũ Hồng Nam – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tiên Lãng, cơn bão số 3 với cường độ rất mạnh đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, bao gồm cả chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Huyện đã chỉ đạo nhanh chóng rà soát thiệt hại và tập trung khắc phục hậu quả do bão gây ra.
“Chúng tôi tập trung chỉ đạo các xã vận động người dân tiếp tục khôi phục lại chuồng trại, đầu tư con giống để tái sản xuất. Tuy vậy, do thiệt hại rất lớn, nhiều hộ khó khăn, cạn kiệt vốn liếng nên rất mong các cơ quan nhà nước có các chính sách hỗ trợ người dân như vay vốn, giảm lãi suất… để các hộ có điều kiện khôi phục sản xuất”, ông Nam cho hay.
Ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện số 92/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trong Công điện, Thủ tướng chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam