Việt Nam – Mỹ: Đẩy mạnh hợp tác thương mại nông sản

(Người Chăn Nuôi) – Ngày 12/9 tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi tiếp và làm việc với bà Alexis Taylor, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cùng phái đoàn thương mại nông sản Mỹ. 

Theo số liệu thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30,77% so với cùng kỳ năm ngoái, với các mặt hàng chủ lực như gỗ, thủy sản và hạt điều. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nông sản từ Mỹ vào Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD, tăng 27,78%, chủ yếu là thức ăn chăn nuôi, rau quả và lúa mỳ. 

Việt Nam - Mỹ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến làm việc với bà Alexis Taylor, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phái đoàn thương mại nông sản Mỹ. Ảnh: Tùng Đinh

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ, những con số thống kê cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và tiềm năng hợp tác bền vững giữa hai quốc gia. Thứ trưởng tin tưởng quan hệ đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển, mang lại lợi ích lớn cho cả hai nước, thúc đẩy phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam. 

Được biết, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật là một trong những lĩnh vực quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, góp phần đảm bảo sức khỏe cộng đồng và bảo vệ ngành chăn nuôi của mỗi nước. Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với Mỹ để nâng cao năng lực trong lĩnh vực kiểm dịch động vật, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Các sản phẩm động vật xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam, bao gồm thịt gia súc, gia cầm, và các sản phẩm từ sữa đều được kiểm dịch chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng.

Một ví dụ điển hình cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước là việc nghiên cứu và phát triển vaccine dịch tả heo châu Phi. Nhờ những hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác nghiên cứu từ Mỹ, Việt Nam đã phát triển thành công các loại vaccine như NAVET-ASFVAC và DACOVAC-ASF2. Những sản phẩm này không chỉ giúp Việt Nam kiểm soát tốt hơn dịch dịch tả heo châu Phi mà còn mở ra cơ hội thương mại hóa, giúp ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững. 

Liên quan đến các sản phẩm động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, Việt Nam đã phê duyệt nhập khẩu 560 sản phẩm động vật từ Mỹ. Đây cũng là con số lớn nhất trong số 26 quốc gia có sản phẩm động vật nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, ông Long đánh giá, cán cân thương mại các sản phẩm động vật còn chưa cân bằng. Vì vậy, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long hy vọng, các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu sản phẩm động vật của Việt Nam sang Mỹ; đồng thời phía Mỹ có thể chia sẻ cho Việt Nam những kinh nghiệm giúp kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi và chống kháng kháng sinh.

Về phía Cục Chăn nuôi, Phó Cục trưởng Tống Xuân Chinh cho biết, từ ngày 01/01/2025, Việt Nam sẽ ngừng sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Điều này đòi hỏi sự cần thiết về việc thay thế bằng thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ thực vật, thảo dược hoặc rong biển. Do vậy, ông Chinh hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía Mỹ để phát triển các giải pháp thay thế này.

Tính đến nay, Bộ NN&PTNT đã cấp phép 52 hồ sơ liên quan đến các sự kiện biến đổi di truyền cho các doanh nghiệp Mỹ, chủ yếu phục vụ cho thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Riêng năm 2023, Việt Nam tiếp nhận thêm 7 hồ sơ mới, bao gồm các sản phẩm như dầu hạt cải và dầu bông phục vụ cho ngành chăn nuôi. Hiện tại, các hồ sơ này đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục theo quy định để có thể cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Trong đó, 4 hồ sơ đã được hội đồng khoa học xem xét và thông qua, nhưng đang chờ các tổ chức đăng ký bổ sung và chỉnh sửa hồ sơ theo yêu cầu.

Được biết, nhân dịp kỷ niệm tròn một năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ, Thứ trưởng USDA Alexis Taylor dẫn đầu phái đoàn thương mại nông nghiệp lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam, với sự tham gia của đại diện từ 36 doanh nghiệp, 25 hiệp hội và 9 Bộ Nông nghiệp của các tiểu bang. 

Ghi nhận các ý kiến từ lãnh đạo và các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Taylor bày tỏ, với vai trò đầu mối của Đại sứ quán Mỹ và Cục Nông nghiệp Đối ngoại của USDA tại Việt Nam, những vướng mắc mà hai bên trao đổi trong dịp này sẽ sớm được tháo gỡ, nhằm đảm bảo cân bằng cán cân thương mại giữa hai quốc gia. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cảm ơn Thứ trưởng USDA Alexis Taylor và phái đoàn thương mại nông sản Mỹ đã tới thăm Việt Nam, đồng thời tin tưởng phái đoàn sẽ đóng vai trò quan trọng và tích cực, góp phần làm cầu nối thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với Mỹ trong thời gian tới. 

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *