Chăn nuôi tháng 8 không có nhiều biến động

(Người Chăn Nuôi) – Mặc dù tháng vừa qua, giá thịt heo có bị tác động nhẹ do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, tuy nhiên nhìn chung tình hình chăn nuôi trong nước vẫn đảm bảo ổn định. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8 năm, chăn nuôi trâu, bò có xu hướng giảm. Chăn nuôi heo và gia cầm phát triển ổn định. Ước tính tổng số heo trên cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2024 tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm 2023. Tổng số gia cầm tăng 3,4%; tổng số bò giảm 0,6%; tổng số trâu giảm 3,5%.

Chăn nuôi tháng 8

Số lượng gia súc, gia cầm cuối tháng 8/2024 so với cùng thời điểm năm trước. Ảnh: TCTK

Trong tháng 8, một số sản phẩm chăn nuôi ghi nhận tăng giá so với cùng kỳ năm ngoái như giá thịt gia cầm tăng 0,21%; sữa, bơ, phô mai tăng 0,15%. Bên cạnh đó, giá thịt heo có giảm nhẹ 0,06% do dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp tại một số địa phương khiến người tiêu dùng lo lắng về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ.

Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng giảm đan xen, trong đó giá lương thực, thực phẩm tăng so với tháng 7/2024. Tính chung tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 8 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%. Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,71%. Đáng chú ý, trong nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 10 nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ và trong số này không có các sản phẩm thuộc lĩnh vực chăn nuôi. 

Trước đó, giá một số sản phẩm chăn nuôi tháng 6 có nhiều biến động đã ảnh hưởng đến chỉ số CPI. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 6/2024 tăng 0,75% so với tháng trước đã làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm, trong đó nhóm thực phẩm tăng 1,07% chủ yếu do giá thịt heo tăng 3,78% khi dịch tả heo châu Phi xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, giá trứng tươi các loại tăng 2,16%, giá thịt gà tăng 0,52%, giá thịt gia cầm đông lạnh tăng 0,86%.

 Tại Hội nghị phát triển chăn nuôi heo bền vững tổ chức vào tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, trong rổ thực phẩm, thịt heo chiếm 65% chỉ số giá tiêu dùng. Hiện giá thịt heo vẫn ở mức cao, đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp sau một thời gian bị thua lỗ. Do vậy, ngành chăn nuôi đặt ra yêu cầu vừa phải đảm bảo tăng trưởng nguồn cung thực phẩm, đảm bảo người chăn nuôi có lãi, tuy nhiên vẫn cần sớm có những giải pháp quyết liệt, kịp thời để chỉ số CPI tăng ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Thứ trưởng chỉ đạo, trước mắt phải chủ động từ sớm, từ xa đảm bảo trước, trong và sau Tết không thiếu hụt nguồn cung thịt heo. Đảm bảo nguồn cung sẽ ổn định được thị trường, bình ổn về chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Muốn vậy, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành liên quan, các địa phương và người chăn nuôi.

“Dịp trước, trong và sau Tết phải ổn định giá thực phẩm, đặc biệt thịt heo đảm bảo tốc độ tăng trưởng phát triển bền vững của ngành. Đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm phải chủ động “từ sớm, từ xa” nguồn cung, đảm bảo nguồn cung phải tăng 10 – 15% trong dịp trước, trong và sau Tết”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. 

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) dự báo, từ nay đến cuối năm 2024, giá thực phẩm nói chung và thịt heo nói riêng có xu hướng ổn định do nguồn cung dồi dào và nhu cầu ổn định nhờ giá nguyên liệu trong nước được duy trì.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *