Những năm gần đây, cây thanh long dần mất đi vai trò thế mạnh khi cho thu nhập thiếu ổn định, nhiều nông dân ở xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã tự tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình.
Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, nông dân Phan Viết Thắng (SN 1970), ngụ thôn Suối Đá đã mạnh dạn thử nghiệm và “bén duyên” với nghề nuôi dúi sinh sản, cho lợi nhuận hơn 220 triệu đồng mỗi năm.
Giữa năm 2020, nhận thấy 1,5 ha thanh long không còn mang lại hiệu quả, ông Phan Viết Thắng tìm tòi, học hỏi các mô hình làm kinh tế ở các nơi. Thông qua mạng xã hội và phương tiện truyền thông đại chúng, ông nhận thấy mô hình nuôi dúi dễ thực hiện, lại rất phù hợp điều kiện của gia đình nên tìm đến tỉnh Lâm Đồng mua 5 cặp dúi giống về nuôi. Ban đầu, do chưa nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc, dúi chậm lớn, sinh sản không đạt; song nhờ kiên trì, chịu khó tìm hiểu, vận dụng, dúi sinh sản đều nên ông quyết định mua thêm 10 cặp để gầy giống, tăng đàn. Nghề nuôi dúi của nông dân Phan Viết Thắng chính thức “bén duyên” từ đó.
Từ 15 cặp dúi giống, đến năm 2022 ông Thắng đã tự nhân giống, gầy đàn lên 100 cặp dúi bố mẹ, và giữ ổn định số lượng này cho đến nay. Ông Thắng cho biết, dúi rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc và đặc biệt là ít bệnh; thức ăn chủ yếu là tre, mía, bắp hạt và cám sữa, mỗi ngày chỉ cho ăn 1 lần vào chiều tối. Đặc tính của loài vật này là không uống nước, không chịu ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh; vì vậy để dúi phát triển tốt, ngoài cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, ông bố trí chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, không ẩm ướt. Trên diện tích chuồng nuôi khoảng 180 m2 ông thiết kế gần 300 ô vuông bằng gạch men kết dính liền với nhau có kích thước dài, rộng và cao tương ứng 60 x 60 x 60 cm/ô, hoặc 60 x 40 x 60 cm/ô; trong đó các ô có diện tích lớn dùng nuôi dúi sinh sản, ô có diện tích nhỏ dùng nuôi dúi con và dúi thịt. Mỗi ô chỉ nuôi 1 con để dúi không cắn nhau (trừ thời gian ghép đôi). Cũng theo ông Thắng, cái khó trong nuôi dúi sinh sản là phải biết tính toán thời gian để ghép đôi dúi bố mẹ và tách đàn dúi con cho phù hợp, quá trình ghép đôi diễn ra không quá 15 ngày, sau khi ghép đôi tách dúi bố để dúi mẹ dưỡng thai và sinh sản, dúi con sinh ra khoảng 45 ngày thì tách khỏi dúi mẹ; quá trình lựa chọn ghép đôi dúi bố mẹ cũng phải lưu ý chọn những con hợp tính để tránh hiện tượng cắn nhau, giao phối không đạt. Khi dúi sinh con phải giữ môi trường yên tĩnh, hạn chế người lạ ra vào chuồng nuôi… Nhờ nắm bắt, vận dụng kinh nghiệm vào chăm sóc, đàn dúi của ông Thắng không những phát triển tốt mà còn đẻ nhiều nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi năm 1 cặp dúi giống sinh từ 2 – 3 lứa, mỗi lứa từ 2 – 4 con; mỗi con con sinh ra từ 2 – 2,5 tháng đạt trọng lượng khoảng 500 gram có thể bán giống với giá 1,4 triệu đồng/cặp; đối với dúi thương phẩm nuôi 5 – 6 tháng đạt trọng lượng từ 1,5 – 2,2 kg/con thì xuất bán ra thị trường. Do thịt dúi thơm ngon và nhiều dinh dưỡng nên việc tiêu thụ khá thuận lợi, phần lớn người mua (chủ yếu là nhà hàng, quán nhậu) đến tận nhà đặt hàng với giá dao động từ 600.000 – 700.000 đồng/kg.
Từ khi bắt tay vào nuôi dúi đến nay, số lượng dúi con giống và dúi thương phẩm của ông Thắng không đủ cung ứng cho thị trường. Theo ông cho biết, dúi con từ khi sinh đến 5 tháng tuổi có thể ghép đôi cho sinh sản, sau 45 ngày mang thai thì sinh con và khi tách con có thể tiếp tục ghép đôi cho sinh lứa khác. Nhờ đặc tính này cộng với dễ nuôi mà rất nhiều người dân tìm đến ông mua giống, học hỏi kinh nghiệm. Vì vậy, bán con giống đã mang lại thu nhập chính cho gia đình ông, với 100 cặp dúi bố mẹ bình quân mỗi năm sinh từ 400 – 500 dúi con, trừ tỉ lệ hao hụt, ông xuất bán khoảng 350 – 400 con giống với giá 700.000 đồng/con cho thu nhập dao động từ 240 – 280 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ít nhất 220 triệu đồng. “Do dúi ít ăn, thức ăn dễ tìm và có sẵn nên lợi nhuận mang lại gần như tuyệt đối…”. Ông Thắng chia sẻ thêm.
Ít tốn diện tích, không cần nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thức ăn dễ tìm và mang lại lợi nhuận cao. Là hiệu quả từ mô hình nuôi dúi sinh sản của nông dân Phan Viết Thắng. Đây cũng là tín hiệu khả quan cho hướng phát triển kinh tế mới của người dân trong vùng.
Chia sẻ về dự định sắp tới, ông Thắng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng chuồng trại, tăng số lượng dúi sinh sản để đáp ứng nhu cầu người mua và tăng thu nhập cho gia đình. Trước mắt, ông tận tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ dân có nhu cầu tiếp cận, áp dụng, thực hiện mô hình nuôi dúi để phát triển kinh tế.
“Mô hình nuôi dúi của anh Phan Viết Thắng là mô hình đầu tiên tại địa phương. Qua đánh giá, mô hình mang lại hiệu quả tốt, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, không gây ô nhiễm môi trường trong khi giá trị kinh tế mang lại rất cao. Hiệu quả từ mô hình này đang mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi cho người dân trong xã. Địa phương đang khuyến khích người dân trên địa bàn học tập kinh nghiệm để có thể nhân rộng nghề nuôi dúi nhằm nâng cao thu nhập…”. Chị Phạm Thị Lựu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Sơn cho biết.
Linh Nguyễn
Nguồn: Báo Bình Thuận