(Người Chăn Nuôi) – Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi phát sinh tại các tỉnh giáp ranh như Sơn La, Hòa Bình và có nguy cơ lây nhiễm lây nhiễm dịch bệnh rất cao vào địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản số 2866/UBND-NNTN chỉ đạo tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống dịch.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, các sở, ngành có liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024.
Các đơn vị theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân bán chạy, giấu dịch, vứt xác heo chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Ngày 16/5/2019, bệnh dịch tả heo châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh: PV
Ngành chức năng chỉ đạo rà soát, thống kê nắm bắt chính xác tổng đàn heo và tình hình triển khai tiêm phòng vắc xin dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh bắt buộc theo quy định, nhất là tiêm phòng vắc xin dịch tả heo châu Phi cho đàn heo thịt theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, thực hiện vệ sinh, sát trùng khu vực chăn nuôi bằng vôi bột và hóa chất; đẩy mạnh áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý hoạt động chăn nuôi, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kinh doanh buôn bán heo và sản phẩm từ heo, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng thú y tại cơ sở bám sát địa bàn, chủ động nắm bắt và báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh theo quy định và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết mổ động vật, các sản phẩm từ động vật, đặc biệt tại cửa ngõ đường giao thông với các tỉnh có dịch, các chợ, cơ sở giết mổ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các trường hợp vận chuyển, kinh doanh, giết mổ heo, các sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch, heo ốm, chết…
Được biết, toàn tỉnh Phú Thọ hiện có khoảng 763.000 con heo. Để đảm bảo đàn heo không mắc dịch bệnh, ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã phối hợp chặt chẽ các địa phương xây dựng phương án cụ thể tổ chức chống dịch. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán, kinh doanh heo giống, heo thịt và các sản phẩm từ thịt heo tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến; điều tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán heo và các sản phẩm từ heo làm lây lan dịch bệnh.
Trước đó, vào năm 2019, tỉnh Phú Thọ là một trong những tỉnh bị chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả heo châu Phi khi xuất hiện tại 130 xã, phường, thị trấn với hơn 37.000 con heo nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy. Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ khi đó đã phải dồn sức dập dịch, không để phát sinh điểm dịch mới, đồng thời thành lập 78 chốt kiểm soát động vật lưu động trên các tuyến đường huyết mạch thuộc các huyện và thành phố nhằm quản lý chặt việc vận chuyển động vật và các sản phẩm từ động vật.
Thùy Khánh