(Người Chăn Nuôi) – Bộ NN&PTNT vừa có văn bản đề nghị thành phố Hà Nội chấn chỉnh việc quản lý hoạt động giết mổ gia cầm và công tác quản lý giết mổ gia cầm tại chợ Hải Bối, huyện Đông Anh.
Trước đó, báo chí đã có loạt bài phản ánh liên quan đến hoạt động kinh doanh tại chợ gia cầm Hải Bối, huyện Đông Anh thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Thực tế cho thấy, đã có sự buông lỏng quản lý của chính quyền và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương được giao thực hiện quản lý cơ sở giết mổ và kiểm soát giết mổ. Điều này, dẫn đến nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, làm lây lan dịch bệnh động vật và ô nhiễm môi trường.
Hoạt động giết mổ gia cầm tại chợ Hải Bối (huyện Đông Anh) chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Hùng Khang
Để chấm dứt ngay những sai phạm được phản ánh và để bảo đảm hiệu quả trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng; góp phần phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như cúm gia cầm (A/H5N1 và A/H9N2), Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND, cơ quan chuyên môn về thú y các cấp ở địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật thú y và các văn bản chỉ đạo.
Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật (đặc biệt cơ sở giết mổ gia cầm tại chợ đầu mối); xử lý nghiêm và dừng hoạt động đối với cơ sở giết mổ động vật chưa được cấp phép hoạt động, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, sử dụng hóa chất, phụ gia bị cấm trong giết mổ gia cầm và không được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định.
Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa chính quyền với lực lượng thú y, y tế, công an, quản lý thị trường,… trong công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật; thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp kịp thời khi xử lý các vụ việc liên quan đến vận chuyển, giết mổ động vật, an toàn thực phẩm đối với thịt gia súc, gia cầm.
Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Có chính sách ưu tiên, triển khai xây dựng mạng lưới giết mổ tập trung bảo đảm vệ sinh thú ý, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; đồng thời triển khai chương trình giám sát chủ động về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Đồng thời khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, qua đó đảm bảo nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật.
Thùy Khánh