Mặc dù hiện nay, dịch bệnh tả lợn Châu Phi (TLCP) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang diễn biến phức tạp, nhưng tại các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn đàn lợn vẫn phát triển an toàn, ổn định nhờ thực hiện tốt quy trình vận hành khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
Trang trại chăn nuôi lợn của Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Lùng Khoang, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan có quy mô 1.200 con lợn nái và 30.000 con lợn giống là một trong những trang trại lớn trên địa bàn tỉnh. Nhờ thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học nên đàn lợn trong trang trại không bị xâm nhiệm bệnh, dịch, phát triển ổn định.
Công nhân trang trại chăn nuôi ở thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia chăm sóc đàn lợn
Ông Lưu Quang Vũ, Giám đốc HTX Chăn nuôi Lùng Khoang chia sẻ: Để đảm bảo vùng an toàn dịch bệnh, ngoài việc thường xuyên phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chúng tôi thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo cách ly với người và đồ vật khi ra vào trang trại. Trang trại bố trí chỗ ăn, nghỉ cho khoảng 30 cán bộ, kỹ sư, người lao động, hạn chế đi ra ngoài khu vực trang trại. Trước khi vào làm việc, người lao động phải thực hiện đúng các quy trình về khử khuẩn, thời gian cách ly mới được tiếp xúc với đàn vật nuôi. Đối với các xe vận chuyển thức ăn chăn nuôi, vận chuyển lợn khi đến trang trại phải thực hiện khử khuẩn trong thời gian từ 2 – 4 tiếng. Đặc biệt, hiện nay, trang trại đang tự cung tự cấp nhu yếu phẩm để hạn chế mua thực phẩm từ bên ngoài vào trại, từ đó ngăn ngừa các mầm dịch, bệnh từ bên ngoài.
Cũng nhờ thực hiện tốt các quy trình chăn nuôi khép kín mà hiện nay gần 300 con lợn nái của trang trại chăn nuôi tại khối phố Pác Nàng, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia phát triển, sinh sản tốt. Theo anh Nguyễn Văn Tùng Dương, quản lý trang trại, từ khi thành lập vào năm 2021 đến nay, trang trại chưa xảy ra dịch bệnh, đàn lợn phát triển ổn định. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, trang trại thực hiện nghiêm các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời thực hiện tiêm phòng các loại vắc – xin cho đàn lợn theo quy định. Cùng với đó, hằng ngày chúng tôi phun thuốc khử trùng xung quanh khu vực chuồng trại; khi công nhân, người lao động vào khu vực sản xuất phải thay đồng phục đã được khử khuẩn, thực hiện các biện pháp cách ly.
Ông Hà Quang Hữu, Chủ tịch UBND thị trấn Bình Gia cho biết: Hiện nay, việc chăn nuôi của bà con chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, chưa chú trọng đến việc thực hiện đảm bảo an toàn dịch bệnh, do đó khi bệnh dịch TLCP xuất hiện đã lan nhanh trong 7 khối phố với trên 40 con nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy. Tuy nhiên, đối với trang trại chăn nuôi ở khối phố Pác Nàng do thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn, khép kín nên chưa xảy ra dịch bệnh. Chúng tôi khuyến khích bà con áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để tạo vùng an toàn dịch bệnh, từ đó phát triển kinh tế gia đình.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh có 10 cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn với quy mô từ 300 con đến trên 1.000 con.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tại các cơ sở chăn nuôi lớn, đàn lợn vẫn phát triển ổn định do các cơ sở này đều áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, theo quy trình khép kín, hiện đại. Hầu hết các cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa khọc kỹ thuật trong chăn nuôi, chủ động tạo nguồn giống, cùng đó kiểm soát chặt chẽ chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng thường xuyên. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân áp dụng các mô hình chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh để hạn chế tác hại của dịch bệnh TLCP.
Đợt dịch bệnh TLCP vừa qua đã làm ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi của người dân trong tỉnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 13.000 con lợn bị nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy. Hiện nay, số đàn lợn trong tỉnh ước tính 150.000 con (chưa bao gồm các trang trại chăn nuôi lớn), bằng 87,39% so với cùng kỳ 2023. Để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, việc nhân rộng các mô hình theo hướng khép kín, an toàn dịch bệnh là một trong những giải pháp tối ưu được các cơ quan chuyên môn khuyến khích. Qua đó, không chỉ giảm thiệt hại cho người chăn nuôi mà còn là tiền đề để xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Nguồn: Báo Lạng Sơn