(Người Chăn Nuôi) – Công nghệ 5.0 gợi mở tầm nhìn về một nền nông nghiệp hiệu quả, năng suất cao, trong đó đề cao sự hợp tác song hành giữa con người với khoa học – công nghệ, góp phần tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị, hướng tới nền nông nghiệp bền vững.
Cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Thống kê 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57 – 58 tỷ USD, cao hơn 2 – 3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Nông nghiệp 2024 “Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0” diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 23/7, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ, trong bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn “Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0” diễn ra chiều ngày 23/7 tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Nhung
Ngành nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp, dễ tổn thương và chịu nhiều tác động từ sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp. Bởi vậy, ông Phòng cho rằng, cần tiếp cận theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao, chứ không đơn thuần chỉ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Do vậy, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hóa đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.
Tại Diễn đàn này, các diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp đã có những chia sẻ thẳng thắn, đề xuất giải pháp để ứng dụng công nghệ 5.0 thành công, tạo chuỗi sản xuất cung ứng ngành nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau thời kỳ đổi mới, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 3 – 4%, nhất là giai đoạn từ năm 2021 đến nay, tăng trưởng nông nghiệp đã đạt mức 3,4 – 3,8%. Giá trị xuất khẩu nông sản đạt 53 tỷ USD năm 2023. Hiện, Việt Nam đứng top 5 thế giới về xuất khẩu cá tra, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu đen, chè, sắn và sản phẩm gỗ.
Chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng của năm sau luôn phải cao hơn năm trước, trong khi nền nông nghiệp trong nước đang đối diện với nhiều thách thức như nguồn lực tự nhiên dần cạn kiệt, những quy định mới của các nước về an toàn thực phẩm khắt khe hơn, hàng rào kỹ thuật về môi trường, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng,… Do vậy theo ông Tuấn, để phát triển ngành nông nghiệp tạo ra giá trị nhiều hơn từ việc sử dụng ít đầu vào, ít tài nguyên thiên nhiên, ít sức lao động hơn thì cần hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp thông minh ứng dụng cách mạng công nghiệp 5.0, góp phần tạo ra nền kinh tế có giá trị cao, xanh, sạch hơn.
Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững
Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất nông nghiệp rất cần sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, nông nghiệp và các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đó chính là quá trình vừa triển khai vừa tiếp nhận phản hồi và điều chỉnh liên tục để không ngừng hoàn thiện một hệ sinh thái nông nghiệp xanh, tuần hoàn và bền vững. Chính vì vậy, việc liên kết chặt chẽ giữa các bên là vô cùng quan trọng.
Làm rõ hơn về điều này, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC) cho rằng, muốn có một nền nông nghiệp thông minh cần có nguồn nhân lực thông minh. Tuy nhiên, hiện nay người nông dân nói riêng cũng như đội ngũ nhân lực phần lớn vẫn làm nông nghiệp theo phương thức truyền thống, hoặc việc ứng dụng khoa học, công nghệ ở mức thấp, chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ, bền vững. Do đó, việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức doanh nghiệp khoa học là tất yếu để tạo ra sức mạnh tổng thể, phát huy nguồn lực.
Trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới của Tập đoàn TH tại Nghệ An. Ảnh: ST
Ông Hà Văn Thắng kiến nghị Nhà nước cần ban hành các quy định đủ mạnh để có một khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo hướng đi mới. Mặt khác, tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nông nghiệp và tổ chức, doanh nghiệp khoa học, công nghệ tăng cường hợp tác liên kết thông qua các mô hình điểm,…
Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH nhấn mạnh, tương lai của nông nghiệp sẽ là nông nghiệp thông minh 5.0 và chúng ta cần suy nghĩ, chuẩn bị hướng tới tương lai nằm ở 2 yếu tố “công nghệ và con người”. Ông Hải chia sẻ: Tại Tập đoàn TH, chúng tôi hướng tới nông nghiệp 5.0 với những hành động cụ thể như xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ cao về khoa học công nghệ, có khả năng làm chủ và vận hành các hệ thống công nghệ tiên tiến. Con người luôn là trụ cột trong chiến lược phát triển bền vững của TH. Tập đoàn đã và đang đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với các đối tác trong nước và quốc tế để nắm bắt, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới cho nông nghiệp; Đầu tư vào hệ thống tự động hóa tiên tiến; Phát triển các mô hình sản xuất theo yêu cầu của người tiêu dùng.
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ 5.0 vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam là rất cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, để triển khai được đồng bộ, thực chất, có hiệu quả rất cần những chính sách và chiến lược hỗ trợ từ nhà nước, nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp thông minh.
Thùy Khánh