Quảng Ngãi: Đẩy mạnh tiêm phòng cho đàn gia súc

Cùng với bệnh viêm da nổi cục (VDNC), lở mồm long móng (LMLM) thì dịch tả heo Châu Phi (ASF) xuất hiện và lây lan, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và người chăn nuôi đang nỗ lực thực hiện các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh.

Dịch chồng dịch

Từ đầu tháng 7 đến nay, dịch ASF xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, tập trung tại thị trấn Chợ Chùa và 3 xã Hành Phước, Hành Nhân, Hành Thiện. Ông Lê Hữu Nghĩa, ở tổ dân phố Phú Bình Trung, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) buồn rầu khi đàn heo 13 con (4 heo nái và 9 con heo hậu bị) vừa bị chết, tiêu hủy do dịch ASF. Ông Nghĩa cho biết, heo đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin dịch tả, tai xanh và nuôi cách ly, nhưng không biết nguồn bệnh lây lan từ đâu.

tiêm phòng Quảng Ngãi
Nhân viên thú y xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) phun thuốc khử trùng tại một trại heo.

Không chỉ dịch ASF, bệnh VDNC, LMLM cũng bùng phát và lây lan nhanh tại nhiều địa phương trong tỉnh, tập trung tại các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Ba Tơ, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi. Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho biết, “dịch chồng dịch” khiến người chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề, dẫn đến tình trạng bán tháo heo bệnh hoặc nghi mắc bệnh. Vì vậy, huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng với chính quyền cấp xã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, nhất là dịch ASF và bệnh VDNC, LMLM…

Đẩy mạnh tiêm vắc xin

Thực hiện Tháng tiêu độc, khử trùng môi trường và tiêm phòng vắc xin đợt 1/2024 cho đàn gia súc, gia cầm, từ đầu tháng 3/2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã phân bổ trên 13,85 nghìn lít hóa chất các loại (Supercid, Benkocid, Iodine) và 62,8 nghìn liều vắc xin VDNC; trên 200,42 nghìn liều vắc xin LMLM. Đến nay, 11 huyện, thị xã, thành phố (trừ 2 huyện Ba Tơ và Sơn Tây) đã tổ chức tiêm trên 70,85 nghìn liều vắc xin VDNC; 13 huyện, thị xã, thành phố đã tiêm trên 160 nghìn liều vắc xin LMLM. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách huyện và xã hội hóa, các địa phương đã triển khai tiêm gần 48,8 nghìn liều vắc xin dịch tả heo cổ điển và gần 100 nghìn liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, dịch ASF đã xảy ra tại 36 cơ sở chăn nuôi thuộc 15 xã, phường, thị trấn của các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Ba Tơ và TX.Đức Phổ. 

Tuy nhiên, đối với dịch ASF, tỷ lệ tiêm phòng rất thấp vì người dân còn e ngại tính hiệu quả của các loại vắc xin mới, dù đã được Bộ NN&PTNT khuyến cáo sử dụng. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đỗ Văn Chung cho biết, Nhà nước chưa có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm vắc xin phòng dịch ASF, cũng chưa đưa vắc xin ASF vào chương trình, kế hoạch tiêm phòng bắt buộc giống như các loại vắc xin khác. Chi phí tiêm phòng dịch ASF còn cao trong bối cảnh chăn nuôi khó khăn. Vì vậy, hiện chỉ có huyện Ba Tơ bố trí nguồn ngân sách mua 17 nghìn liều và đang triển khai tiêm phòng cho đàn heo thịt đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

Trước tình hình dịch bệnh gia súc diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch ASF và bệnh VDNC, LMLM, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện đẩy mạnh quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển, mua bán gia súc. Ông Đỗ Văn Chung cho biết, giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh gia súc nói chung, dịch ASF nói riêng là tiêm phòng. Do đó, song song với triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh, Chi cục tăng cường tiêm phòng, giám sát. Đồng thời, tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đấu thầu cung ứng vắc xin ASF, từng bước mở rộng quy mô tiêm phòng.

Bài, ảnh: NGỌC THẢO

Nguồn: Báo Quảng Ngãi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *