Ngày 13/7, đoàn công tác Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 27/151 xã, phường, thị trấn thuộc 8/10 huyện thành phố xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Ngành nông nghiệp chủ động giám sát phát hiện ổ dịch và tổ chức ngay các biện pháp nghiêm ngặt nhằm khoanh vùng dập dịch; công bố dịch theo quy định của Luật Thú y. Các địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên động vật; tiêu hủy lợn chết, tổ chức tổng vệ sinh phun thuốc sát trùng tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn trong ổ dịch. Rà soát, thống kê đàn lợn để chủ động giám sát tới tận hộ chăn nuôi. Đẩy mạnh các biện pháp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh để người dân biết và chủ động phối hợp phòng, chống…
Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tiêm vắc xin Avac cho đàn lợn gia đình ông Bùi Văn Hùng ở xóm Tráng, xã Bình Thanh (Cao Phong).
Đến nay, 7 xã đã công bố hết dịch, 17 ổ dịch chưa qua 21 ngày, 3 ổ dịch đã qua 21 ngày không xuất hiện lợn ốm, chết. Tính từ đầu năm đến ngày 10/7, toàn tỉnh đã tiêu hủy 1.557 con với trên 5,3 tấn lợn. Các địa phương đã tiêm trên 4 nghìn liều vắc xin tả lợn Châu Phi cho đàn lợn.
Đoàn công tác Bộ NN&PTNT đã đến kiểm tra thực tế và tiêm vắc xin Avac cho đàn lợn của gia đình các ông Bùi Văn Hùng ở xóm Tráng và Hoàng Văn Bắc ở xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong). Dịp này, Công ty CP Avac Việt Nam đã hỗ trợ 200 liều vắc xin phòng bệnh tả lợn Châu Phi cho xã Bình Thanh. Đây là vắc xin tiêm phòng bệnh tả lợn Châu Phi do Việt Nam sản xuất có lượng kháng thể tốt.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, những năm gần đây, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng là ngành then chốt trong phát triển kinh tế. Do vậy, đề nghị tỉnh và ngành nông nghiệp địa phương quyết tâm phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi. Tập trung tuyên truyền cho người dân, người chăn nuôi hiểu rõ về dịch bệnh để phòng, chống. Đồng thời, triển khai đồng bộ công tác phòng, chống dịch từ an toàn sinh học đến sử dụng chế phẩm sinh học và tiêm vắc xin. Cán bộ ngành bám sát cơ sở, kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ trong vùng dịch.
Việt Lâm
Nguồn: Báo Hòa Bình