(Người Chăn Nuôi) – Theo FAO 2019, Pakistan sản xuất 2,2 triệu tấn thịt gia súc, nhưng chỉ xuất khẩu 2,7%. Cơ hội xuất khẩu rộng mở nhưng chỉ số ít doanh nghiệp tư nhân biết cách nắm bắt.
Trở ngại cạnh tranh
Từ năm 2011 đến 2020, xuất khẩu thịt bò của Pakistan đạt tốc độ tăng trưởng kép 14%, đứng thứ 2 toàn cầu. Năm 2024, ngành thịt của Pakistan đột phá mạnh mẽ với cơ hội rộng mở tại Trung Quốc khi sản phẩm thịt xử lý nhiệt được chấp thuận. Tuy nhiên, nhiều công ty ở Pakistan để tuột cơ hội do thiếu đầu tư trong chăn nuôi và chế biến, đặc biệt là ngành thịt bò.
Mặc dù quy mô đàn lớn nhưng sản lượng thịt của Pakistan khá thấp trong khi chi phí sản xuất cao. Ngoài ra, chi phí đầu vào cũng cao do hệ thống thị trường lỏng lẻo, thiếu tổ chức, dẫn đến nhiều trở ngại về truy xuất nguồn gốc. Samir Amir, Giám đốc Nghiên cứu, Hội đồng doanh nghiệp Pakistan, cho rằng chính những điều này đã làm tăng chi phí sản xuất thịt bò đông lạnh so với các nước xuất khẩu kỳ cựu như Brazil và Mỹ.
Ảnh minh họa
Hiện, Pakistan vẫn cần trợ giúp để kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh như lở mồm long móng (FMD). Rào cản dịch bệnh khiến nhiều thị trường từ chối cấp phép kiểm dịch cho sản phẩm thịt của Pakistan. Chính phủ Pakistan đã nỗ lực thiết lập vùng chăn nuôi không dịch bệnh FMD, nhưng diện tích tương đối hạn chế.
Trong nhiều năm qua, 90% thịt bò tươi, ướp lạnh xuất khẩu của Pakistan (chủ yếu là thịt xẻ) được xuất khẩu sang 6 nước vùng Vịnh (GCC). UAE, Kuwait, và Ả Rập Saudi là những nhà nhập khẩu lớn nhất, chiếm thị phần lần lượt 48%, 19% và 15% vào năm 2020. Sự phụ thuộc vào các thị trường GCC khiến ngành chăn nuôi dễ bị tổn thương trước những gián đoạn bên ngoài, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu. Ngoài ra, Pakistan chỉ tập trung vào phân khúc thịt ướp lạnh nên gặp nhiều rủi ro. Điển hình, tháng 9/2023, UAE đã từ chối nhập khẩu thịt tươi/ướp lạnh từ Pakistan qua đường biển sau sự cố hư hỏng.
Đa dạng hóa sản phẩm
Các công ty Pakistan như Tata Best Foods, một nhà xuất khẩu lớn, đang mạnh tay đầu tư vào ngành chăn nuôi. Bilal Shahid Tata, Giám đốc điều hành, cho biết xuất khẩu thịt bò của Tata sang các nước vùng Vịnh đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua. Do đó, Tata đang mở rộng quy mô chăn nuôi từ 5.000 lên 50.000 con trong 3 năm tới. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, “chúng tôi có thể cải thiện năng suất thịt bằng cách nâng cao quản lý chăn nuôi và dinh dưỡng trong giai đoạn vỗ béo. Khi nhu cầu tiêu thụ thịt trong nước và xuất khẩu tăng, nông dân sẽ mở rộng chăn nuôi nhưng cần sự hỗ trợ của chính phủ để tiếp cận nguồn giống chất lượng và thiết lập khu chăn nuôi sạch bệnh”.
Khalil Sattar, Giám đốc công ty K&Ns, nhận định, ngoài cải thiện nguồn giống, các công ty xuất khẩu của Pakistan cần đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt chú trọng các mặt hàng giá trị gia tăng. Ông cho biết thêm, riêng ngành thịt bò Pakistan phải nâng cao năng lực chế biến theo hướng giá trị gia tăng và đa dạng hóa sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Báo cáo Chiến lược xuất khẩu của Pakistan giai đoạn 2020 – 2027 cũng nhấn mạnh, các sản phẩm thịt có tiềm năng xuất khẩu nhưng chưa được khai thác gồm thịt bò không xương đông lạnh, thịt bò tươi nguyên xương. Những sản phẩm này có thể mang lại thêm 61,5 triệu USD doanh thu xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ nội tạng bò cũng cần được chú trọng, đặc biệt là Trung Quốc, Hồng Kông, và Nhật Bản
Theo ông Tata, Pakistan có vị trí chiến lược và nên tập trung vào các thị trường trong khu vực, bắt đầu từ nước láng giềng Afghanistan, Iran, và Trung Á. Tuy nhiên, dù đầu tư vào phân khúc thịt ướp lạnh hay đông lạnh, thì đa dạng hóa sản phẩm vẫn là chìa khóa quan trọng nhất để mở cơ hội xuất khẩu cho ngành thịt Pakistan.
Mi Lan
(Theo Agribiz)