Những năm gần đây, nông dân xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát triển mô hình nuôi chồn hương. Đây là con đặc sản có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập khá cho người nuôi.
Ông Nguyễn Văn Sách ở ấp Gò Cà, xã Phước Thuận là một trong những người tiên phong nuôi chồn hương trong chuồng với số lượng lúc đỉnh điểm hơn 50 con. Bình quân mỗi tháng, ông Sách bán 2 – 3 cặp chồn hương giống (hơn 1 kg/con), với giá khoảng 10 triệu đồng/cặp.
Theo ông Sách, năm 2021 tình cờ phát hiện mô hình nuôi chồn hương tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) có triển vọng nên ông đã tìm hiểu. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, ông đã cải tạo chuồng bò, mua 2 cặp chồn hương giống về nuôi.
Khi nuôi chồn hương, cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương.
Chồn hương là động vật hoang dã nên bước đầu nuôi ông cũng gặp không ít khó khăn về vấn đề sinh sản của loài vật này. Qua tìm hiểu trên sách báo, mạng internet, ông đã dần khắc phục hạn chế, áp dụng tốt kỹ thuật nuôi nên đàn chồn hương ngày càng sinh sôi, phát triển. Trại chồn hương của ông Sách khoảng 100 m2, nuôi trong các lồng gỗ đóng từ cây tràm, mỗi lồng rộng khoảng 1 m2. Thức ăn của chồn chủ yếu là chuối chín, tối cho ăn thêm cá rô phi tươi để tăng đạm cho chồn.
So với các vật nuôi khác, chồn hương có giá trị kinh tế cao, nhất là nhu cầu của các quán ăn, nhà hàng ngày càng lớn. Vì thế, đầu ra của chồn thịt và chồn giống rất thuận lợi. Là loài có giá bán cao nhưng chi phí nuôi chồn hương lại rất thấp. Chồn mẹ có thời gian mang thai khoảng 2 tháng, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3 – 5 con.
“So với các mô hình chăn nuôi khác như bò, dê thì mô hình nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nếu biết cách chăm sóc, chồn hương có thể sinh sản 3 lứa mỗi năm. Tôi đang tiếp tục mở rộng chuồng trại, tăng đàn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh”, ông Sách cho biết thêm.
Ở ấp Gò Cà, ông Lê Minh Hồng cũng đã thành công nhờ mô hình nuôi chồn hương với hơn 60 con. “Nuôi chồn hương chi phí thấp. Chúng vừa ăn ít mà thức ăn cũng dễ kiếm. Nhà nào có vườn, gần mương hay kênh, rạch đều có thể tự trồng chuối và đánh bắt cá tạp cho chồn ăn”, ông Hồng cho biết thêm.
Ông Phạm Công Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thuận cho biết, trên địa bàn xã có 3 hộ nuôi chồn hương với tổng đàn hơn 150 con, chủ yếu là chồn sinh sản để cung cấp con giống. Mô hình nuôi chồn hương cho hiệu quả kinh tế cao, có thể nhân rộng và tiến tới thành lập tổ hội nghề nghiệp.
Chồn hương thuộc loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ. Chính vì vậy khi nuôi chồn hương, người nuôi cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương. Trong quá trình nuôi phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Bài, ảnh: KIM HIỀN
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu